Xã hội

Chính thức "khai tử" Thông tư 30, học sinh được chấm điểm

(DNVN) - Bộ GD & ĐT chính thức công bố Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 giúp tăng quyền tự chủ trong nhận xét học sinh, có chấm điểm cuối các kỳ học.

Ngày 28/9, Bộ GD ĐT chính thức công bố Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng hình thức nhận xét đã gây tranh cãi suốt 2 năm qua, theo tin tức trên báo Dân việt.

Thông tư 30 "khai tử" thay vào đó là thông tư 22. 

Theo đó, Thông tư 22 sẽ khắc phục những điểm bất cập từ Thông tư 30 như: giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên, tăng quyền tự chủ trong nhận xét học sinh, vẫn có chấm điểm cuối các kỳ và giữa kỳ để phụ huynh tiện theo dõi sức học của con em mình...

Cụ thể, sẽ có 3 mức đánh giá học sinh: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì. 

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Theo báo Thanh niên, khi ghi nhận những ý kiến của giáo viên về Thông tư 30, hầu hết chung bức xúc về vấn đề sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy cho học sinh.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

 

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá.

Quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

Một điểm thay đổi quan trọng nữa trong Thông tư 22 là quy định thêm về các bài kiểm tra định kì giữa các kì học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. 

 

Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo. Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kì cho hiệu trưởng.

Nên đọc
Hiền Minh (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo