Chợ hàng trăm tỷ ế ẩm, chỉ tại chợ cóc hút hết khách?
Chợ - trung tâm thương mại Hàng Da vắng khách, nhiều gian hàng đóng cửa. (Ảnh TPO)
Từ năm 2006, Hà Nội đã bắt đầu xoá bỏ một số chợ truyền thống để xây dựng mô hinh kết hợp chợ và trung tâm thương mại. Tới nay, đã có sáu chợ theo mô hình mới này được đưa vào hoạt động với số vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng (trung bình mỗi chợ 500 tỷ đồng). Sáu công trình này bao gồm: Cửa Nam, Hàng Da, 41 Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Ô Chợ Dừa và Mơ.
Ngoài ra còn có một dự án khác chuẩn bị khánh thành, hai dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai xây dựng và 6 dự án khác được phê duyệt nhưng chưa triển khai.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện hiệu quả phục vụ dân sinh của sáu chợ đã đưa vào sử dụng nói trên là rất thấp. Trong đó, một số chợ không thu hút được các hộ kinh doanh vào kinh doanh tại chợ (Cửa Nam, Ô Chợ Dừa).
Toàn bộ diện tích bố trí chợ dân sinh đã được nhượng sang để kinh doanh siêu thị và các loại dịch vụ khác. Một số chợ chỉ thu hút được dưới 50% diện tích ngành hàng đã bố trí (Thanh Trì, 41 Hai Bà Trưng, Hàng Da).
Toàn bộ diện tích bố trí chợ dân sinh đã được nhượng sang để kinh doanh siêu thị và các loại dịch vụ khác. Một số chợ chỉ thu hút được dưới 50% diện tích ngành hàng đã bố trí (Thanh Trì, 41 Hai Bà Trưng, Hàng Da).
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội xác nhận rằng các chợ theo mô hình tổng hợp nói trên hiện chưa thu hút được nhiều hộ kinh doanh cũng nhưng người dân vào mua sắm.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến “chợ tổng hợp” lâm vào tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là việc xung quanh các chợ này còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm. Các chợ vỉa hè này đã hút hết khách của chợ hiện đại.
“Xung quanh các chợ - trung tâm thương mại này còn tồn tại rất nhiều chợ cóc. Người dân lại có thói quen thích mua sắm tại các chợ cóc này vì tiện lợi, hàng hoá lại rẻ. Khi vào các chợ - trung tâm thương mại thì người dân lại phải gửi xe, hàng hoá lại đắt hơn bên ngoài… nên họ ngại vào mua sắm,” bà Lan nói.
Phải dẹp chợ cóc để "cứu" trung tâm thương mại?
Theo bà Trần Thị Phương Lan, để thu hút người dân vào các chợ hiện đại, các cơ quan chức năng cần kiên quyết dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.
“Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành dẹp bỏ chợ cóc một cách quyết liệt. Vừa rồi, quận Thanh Xuân có đề nghị giữ lại chợ Cầu Lủ vì đây là nơi mua bán của bà con từ lâu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiến nghị dẹp bỏ và hiện đã dẹp xong chợ này.
Phải dẹp bỏ chợ cóc để trả lại vỉa hè, lòng đường cho người dân đi lại, đảm bảo văn minh đô thị. Bên cạnh đó, phải dẹp bỏ các chợ này thì người dân mới hình thành thói quen vào mua sắm tại các chợ hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại.
Tại các nơi này, tất nhiên là hàng hoá có đắt hơn vì các hộ kinh doanh phải trả nhiều loại phí, trong đó có phí thuê gian hàng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hàng hoá tại đây sẽ đảm bảo chất lượng và khách hàng sẽ được phục vụ chu đáo hơn,” bà Lan cho hay.
Trước đó, trong báo cáo trình HĐND vào tháng 7 vừa qua về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, lý do các chợ hiện đại ế ẩm không phải chỉ vì bị chợ cóc, chợ tạm hút hết khách mà còn một loạt các lý do khách quan khác.
Đặc biệt là do giá thuê mặt bằng và các khoản đóng góp khác đều cao hơn so với mô hình chợ truyền thống. Các công trình này có thiết kế chưa phù hợp, không thuận tiện cho việc kinh doanh. Hạ tầng giao thông xung quanh các chợ hiện đại này chưa được triển khai một cách đồng bộ…
Tất cả những mặt hạn chế này làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh trong chợ và không thuận tiện cho người dân vào mua sắm.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, sắp tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tiến hành dẹp bỏ các chợ cóc, đồng thời tuyên truyền, vần động người dân vào kinh doanh và mua sắm tại các chợ hiện đại. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án chợ - trung tâm thương mại chưa triển khai, nếu cần thiết thì có thể thu hồi, huỷ bỏ dự án.
Trước đó, ba dự án chợ - trung tâm thương mại đã chính thức bị huỷ bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư, đó là công trình chợ Hôm (quận hai Bà Trưng), Nghĩa Tân (Cầu giấy) và Ngã Tư Sở (quận Đống Đa).
Được biết, theo kế hoạch thì sẽ có tổng cộng 50 chợ truyền thống trên toàn địa bàn Hà Nội sẽ được xoá bỏ để xây dựng mô hình chợ kết hợp với trung tâm thương mại.
Nhưng với tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của sáu chợ đầu tiên được hoàn thành nói trên thì các cơ quan chức năng cần phải xem xét tới việc có nên tiếp tục cấp phép xây dựng chợ hiện đại hay duy trì chợ truyền thống sẽ tốt hơn?
Theo VTC
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Cột tin quảng cáo