Pháp luật

Cho phép đình công để bảo vệ công đoàn

Nhiều quy định mới về đình công, bảo vệ thủ lĩnh công nhân sẽ được bổ sung vào Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động tới đây, tránh tình trạng công đoàn bảo vệ ông chủ, thay vì công nhân. Tiền Phong phỏng vấn ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Cổ cồn, cổ trắng đều là công nhân

 

Ông Mai Đức Chính nói: Hiện nay, lực lượng công nhân chiếm khoảng 15 triệu người. Vai trò làm chủ của công nhân giảm sút, quan hệ chủ thợ ngày càng chi phối rõ nét. Do đó, về mặt bản chất lực lượng công nhân cũng đã có sự thay đổi.

 

Như vậy khái niệm về giai cấp công nhân cũng khác trước rất nhiều, thưa ông?

 

Đúng vậy! Mãi đến Đại hội X vừa rồi mới đưa ra Nghị quyết 20 về việc tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Khái niệm đưa ra là: Giai cấp công nhân là những người làm trong các khu công nghiệp hoặc mang tính chất công nghiệp làm công ăn lương. Bây giờ, công nhân cổ cồn trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, công nghệ thông tin... rất nhiều. Do đó, khái niệm giai cấp công nhân bây giờ phải hiểu theo nghĩa rộng. Công nhân bây giờ đa dạng, trong đó có cả đội ngũ trí thức lao động.

 

Như ông nói, so với thời kỳ bao cấp, vị trí và vai trò của công nhân bị giảm sút, thay đổi do tính chất nhà nước ở trong các doanh nghiệp ngày càng mất dần. Trong bối cảnh như vậy, Nhà nước XHCN sẽ phải định hướng xây dựng một giai cấp công nhân như thế nào?

 

Tới đây phải có chính sách xây dựng giai cấp công nhân làm sao phù hợp với điều kiện mới. Phải xác định giai cấp công nhân là người làm công ăn lương ở những nơi công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp. Yếu tố để xây dựng đội ngũ công nhân có trí thức mà trong Nghị quyết 20 nói là phải trí thức hóa công nhân. Tức phải nâng trình độ, năng lực của công nhân để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, phát triển nền kinh tế dựa trên trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao.

 

Vấn đề rất nan giải của chúng ta hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực rất thấp. Khi khảo sát về giai cấp công nhân, chỉ có trên 30% lực lượng lao động ở các doanh nghiệp được đào tạo.

 

Ông vừa nói, hai đối tượng đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội là công nhân và nông dân, nhưng họ lại được hưởng thành quả lao động ít nhất, không đủ sống? Vì sao lại như vậy?

 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì một người ở khu vực Hà Nội để đảm bảo mức sống tối thiểu phải có thu nhập 3,1 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay lương tối thiểu cao nhất (vùng 1) cũng chỉ 2 triệu đồng/tháng, mới chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu. Đối với công nhân họ chủ yếu làm công ăn lương, không có thu nhập nào khác. Như vậy làm sao họ sống.

 

Ai cũng nói lao động là nguồn lợi duy nhất của doanh nghiệp nhưng khi trả lương, chẳng ai coi là nguồn lợi duy nhất. Ở đây, các chính sách, pháp luật của mình còn kẽ hở để giới chủ lợi dụng bóc lột công nhân. Ví dụ, họ lợi dụng quy định lương tối thiểu thấp, chỉ trả cao hơn mức lương tối thiểu một chút, thì nhà nước cũng không xử lý được.

 

Về nguyên tắc, người lao động được thoả thuận tiền lương với chủ. Tuy nhiên, thực tế chỉ có người làm công tác quản lý (lực lượng lao động gián tiếp) mới được thỏa thuận về tiền lương vì có năng lực, trình độ; còn lại, lực lượng công nhân trực tiếp, chiếm số lượng đông đảo nhất (khoảng 80- 90%) lại không được thoả thuận về lương, do trình độ hạn chế.

 

Từ năm 2006 đến nay, tình hình đình công diễn ra nhiều. Qua nghiên cứu, có 80% cuộc đình công là đòi tăng lương, 20% đòi giảm tăng ca, tăng bữa ăn, phụ cấp. Tính ra, một công nhân ở Hà Nội, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà, tiền điện, nước... họ sẽ không đủ sống.

 

Nhà nước sẽ đưa ra các quy định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, khoảng năm 2014 sẽ tăng lương tối thiểu lên 3,65 triệu đồng, và năm 2015 tăng lên khoảng 4 triệu.

 

Bảo vệ “thủ lĩnh” công nhân

 

Về vai trò của tổ chức công đoàn tới đây có gì thay đổi không, thưa ông?

 

Chắc chắn sẽ thay đổi, khi sửa đổi Luật công đoàn. Vai trò của công đoàn chính là xử lý hài hòa mối quan hệ mâu thuẫn giữa ông chủ và người lao động trong vấn đề tiền lương. Trong điều kiện mới phải đặt chức năng bảo vệ người lao động lên vị trí số một.

 

Nhưng làm sao công đoàn bảo vệ được người lao động khi cán bộ công đoàn vẫn nhận lương và ký hợp đồng lao động với ông chủ?

 

Quan hệ chủ-thợ là quan hệ đối lập trong một thể thống nhất, đối lập với nhau nhưng vẫn phải làm việc với nhau, nên lâu nay công đoàn ở ta như cơ quan trung gian để hoà giải lợi ích của đôi bên. Tuy nhiên, do cán bộ công đoàn cũng nhận lương từ chủ sử dụng lao động, nên khó độc lập. Thực tế, do phụ thuộc nên nếu cán bộ công đoàn mà đứng về phía ông chủ, bảo vệ ông chủ thì được trả lương cao, còn đứng về công nhân thì rất dễ bị chủ sa thải hoặc hết hợp đồng lao động không được ký lại.

 

 

Lương công nhân hiện không đủ đảm bảo cuộc sống
Lương công nhân hiện không đủ đảm bảo cuộc sống.

 

Vậy tới đây khi sửa Luật công đoàn có bổ sung thêm quyền cho công đoàn?

 

Sẽ bổ sung cơ chế bảo vệ công đoàn. Công nhân sẽ được đình công bảo vệ công đoàn, nếu có dấu hiệu công đoàn vì bảo vệ quyền lợi cho Công nhân mà bị chủ trù dập. Ngoài ra, chúng tôi đang đề nghị phải bổ sung thêm quy định: Nhiệm kỳ công đoàn là 2,5 năm, nếu chủ tịch công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động, nhưng nhiệm kỳ công đoàn vẫn còn thì đương nhiên chủ sử dụng không được chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa hết nhiệm kỳ.

 

Hiện gần như 100% vụ đình công ở Việt Nam trái pháp luật do quy định trình tự, thủ tục xin phép đình công quá rối rắm. Vấn đề này sẽ được xử lý ra sao khi sửa Bộ luật Lao động tới đây?

 

Theo dự thảo mới nhất, khi có tranh chấp giữa người lao động và ông chủ thì đưa sự việc lên hòa giải viên (thay vì hội đồng nhiều người trước đây), ở giai đoạn này hoà giải viên sẽ phân tích tranh chấp về quyền (buộc ông chủ phải thực hiện theo quy định pháp luật) hay về lợi ích (những đòi hỏi cao hơn so với luật), nếu là quyền thì không được đình công mà đưa ra Ủy ban Nhân dân cấp huyện để giải quyết. Nếu huyện không giải quyết được thì đưa ra tòa án.

 

Còn tranh chấp về lợi ích thì anh không đồng ý ở cấp hòa giải thì lên cấp trọng tài, thành lập hội đồng trọng tài cấp tỉnh không giải quyết được thì được tổ chức đình công (với điều kiện phải lấy được trên 50% chữ ký công nhân đồng ý).

 

Quy định như trên, cũng vẫn khó khả thi, vì nếu làm được hết trình tự trên phải mất nửa tháng, chưa kể có doanh nghiệp có cả vạn công nhân mà bắt phải lấy được chữ ký 50% thì rất khó.

 

Cảm ơn ông.

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo