Cho phép thi công lại sau sự cố đổ cần cẩu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội
Hai gói thầu CP01 và CP02 thuộc đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội đã được thi công trở lại sau 2 vụ tai nạn lao động gay xôn xao dư luận vừa qua.
Ngày 22/5, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho phép triển khai thi công gói thầu CP1 (tuyến trên cao), CP2 (các ga trên cao) thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội sau khi khắc phục xong những hậu quả sự cố và có giải pháp thi công đảm bảo an toàn cho thiết bị làm việc tại công trường cũng như người và phương tiện khi tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu, Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị Tư vấn Systra tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các nhà thầu Daelim (thi công gói CP1) và Posco E&C (thi công gói CP2) để đảm bảo an toàn thi công, an toàn công trình.
Nếu các nhà thầu thi công còn tái phạm, ngoài việc xử lý các vi phạm theo quy định theo pháp luật Việt Nam thì sẽ không cho phép các nhà thầu tiếp tục tham gia thi công các dự án khác từ nguồn vốn ngân sách của TP.
Ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau sự cố để cần cẩu đổ vào nhà dân, Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội đã phạt nhà thầu Posco 25 triệu đồng; UBND quận Cầu Giấy phạt nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) - Công ty cổ phần cầu 14 số tiền 30 triệu đồng do vi phạm an toàn trong thi công xây dựng.
Để đảm bảo tiến độ của dự án, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và chất lượng công trình khi thi công trở lại, Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu thực hiện đúng các biện pháp thi công, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông đã được tăng cường, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt. Các nhà thầu chỉ được phép sử dụng các thiết bị thi công và vật liệu cừ đạt tiêu chuẩn, đã được tư vấn kiểm tra, đánh dấu xác nhận.
Đặc biệt, khi công nhân cẩu cừ sắt phải sử dụng 2 dây cáp, 1 dây cáp chính và một dây cáp phụ. Cả hai dây cùng móc vào hai vị trị trên thân cừ trong quá trình cẩu. Nhà thầu phải sử dụng kỹ sư, giám sát và công nhân trên công trường đã được đào tạo về an toàn lao động trong công tác nậng, hạ, vận hành máy ép cừ và công nhân móc cẩu. Các công nhân tham gia công trường phải có bảo hộ lao động theo quy định.
Bên cạnh đó khoanh vùng nguy hiểm trong khi thi công cẩu cừ và chỉ có công nhân móc cẩu mới được vào khu vực này. Phân công người cảnh báo và điều khiển giao thông bên ngoài khu vực hàng rào để tránh nguy hiểm khi cẩu, ép cừ và có nguy cơ mất an toàn ra bên ngoài phạm vi hàng rào. Không thi công khi không có giám sát tư vấn vào các ngày chủ nhật.
Tư vấn giám sát Systra phải bố trí nhân sự giám sát đầy đủ trong toàn bộ thời gian thi công của nhà thầu. Trong trường hợp phát hiện nhà thầu có biểu hiện vi phạm các quy trình, phương án tổ chức thi công đã được phê duyệt, có khả năng gây mất an toàn cho người và phương tiện phải kiên quyết dừng thi công và báo ngay chủ đầu tư.
Các tổ, nhóm giám sát của Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội tăng cường giám sát việc thực hiện của nhà thầu để kiểm tra đảm bảo an toàn khi thi công, an toàn công trình.
Trước đó, khoảng 18h ngày 10/5, nhiều người đi trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) hoảng hốt khi chứng kiến một thanh dầm thi công tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội từ trên chiếc cần cẩu rơi xuống đường, đè nát tấm tôn rào chắn.
Tiếp đó, vào khoảng 16 giờ chiều ngày 12/5, tại vị trí trụ P286 thuộc công trường thi công gói thầu CP – 01 do nhà thầu Daelim thi công, một phần cần cẩu trục thi công KH150-3 đang tiến hành rút ông vách thép có đường kính 1m, chôn sâu 9m dưới mặt đất thì bị gục. Cần bị gẫy đổ lên hàng rào thi công, đầu cần cẩu đổ vào nhà dân bên đường (nhà số 359 và 361 đường Cầu Giấy) làm hư hỏng một số biển quảng cáo của nhà dân, cột điện và làm 2 người tham gia giao thông trên tuyến đường Cầu Giấy bị ảnh hưởng.
Hòa Hậu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo