Pháp luật

Cho thuê lại lao động: Giải pháp tạo cơ hội việc làm cho người lao động

(DNVN) - Cho thuê lại lao động là hiện tượng tương đối phổ biến trong việc sử dụng lao động ở các quốc gia trên thế giới từ nhiều năm qua. Nó đã được ghi nhận trong pháp luật của rất nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển theo nền kinh tế thị trường.

Ở Việt Nam việc cho thuê lại lao động cũng đã diễn ra từ lâu nhưng  lần đầu tiên được ghi nhận về mặt pháp lý trong Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012. Việc ghi nhận chính thức trong BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động cho thuê lại lao động đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các bên trong quan hệ lao động đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLLĐ 2012 quy định. "Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.” BLLĐ 2012 và Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định rất cụ thể về hoạt động cho thuê lại động, cụ thể như sau:

1.Về điều kiện thành lập và hoạt động Công ty cho thuê lại LĐ

Theo quy định tại Điều 54 BLLĐ 2012 Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện gồm:  có vốn pháp định 2 tỷ đồng; đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng; phải có trụ sở ổn định, nếu trụ sở đi thuê thì hợp đồng thuê phải có thời hạn từ 2 năm trở lên; Nếu có sự thay đổi về địa điểm đặt trụ sở thì doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản đến Sở LĐTBXH ít nhất 15 ngày trước khi thay đổi.

Riêng người đứng đầu doanh nghiệp phải Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên. Trong 03 năm liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Khi thay đổi người quản lý, các chức danh chủ chốt hoặc vốn điều lệ, ngoài việc thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Sở LĐTBXH trong thời hạn 10 ngày trước khi có sự thay đổi đó.

2. Thời hạn của Giấy phép

Giấy phép có thời hạn tối đa không quá 36 tháng và được gia hạn tối đa là 02 lần, mỗi lần không quá 24 tháng. Như vậy, một doanh nghiệp thỏa mãn đủ điều kiện theo quy định sẽ được phép kinh doanh ngành nghề này tối đa là 07 năm.

3. Thời hạn cho thuê lại lao động

Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Khi hết thời hạn thuê, doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà người lao động thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại. (Điều 26 Nghị định 55/2013/NĐ-CP)

4. Các công việc được phép cho thuê lại lao động.

Các công việc được phép cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 25 Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Cụ thể, có 17 nhóm công việc được phép cho thuê lại lao động là: (1) Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký; (2) Thư ký/Trợ lý hành chính; (3) Lễ tân; (4) Hướng dẫn du lịch; (5) Hỗ trợ bán hàng; (6) Hỗ trợ dự án; (7) Lập trình hệ thống máy sản xuất; (8) Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; (9) Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; (10) Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; (11) Biên tập tài liệu; (12) Vệ sĩ/Bảo vệ; (13) Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; (14) Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; (15) Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; (16) Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; (17) Lái xe.

5. Về Hợp đồng cho thuê lại lao động

Theo quy định Điều 55 BLLĐ 2012, doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động. Hợp đồng cho thuê lại lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:  Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với NLĐ thuê lại; Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của NLĐ; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Nghĩa vụ của mỗi bên đối với NLĐ.

Doanh nghiệp cần lưu ý là hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của NLĐ thấp hơn so với HĐLĐ mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với NLĐ.

6. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

 Theo quy định của Điều 56 BLLĐ năm 2012 thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động bao gồm:

- Bảo đảm đưa NLĐ có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của HĐLĐ đã ký với NLĐ; Thông báo cho NLĐ biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; Ký kết HĐLĐ với NLĐ theo quy định; Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của NLĐ, yêu cầu của NLĐ;Thực hiện nghĩa vụ của NSDLĐ theo quy định …; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm trả lương cho NLĐ thuê lại không thấp hơn tiền lương của NLĐ của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; Xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại NLĐ do vi phạm kỷ luật lao động.

7. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

Theo quy định tại Điều 57 của BLLĐ năm 2012 thì quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động bao gồm

- Thông báo, hướng dẫn cho NLĐ thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình; Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của mình; Thỏa thuận với NLĐ thuê lại nếu huy động họ làm đêm, làm thêm giờ ngoài nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động; Không được chuyển NLĐ đã thuê lại cho NSDLĐ khác;

-  Thỏa thuận với NLĐ thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức NLĐ thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp HĐLĐ của NLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt; Trả lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động NLĐ không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động; Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

8. Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại

Theo quy định tại Điều 58 BLLĐ năm 2012 thì quyền và nghĩa vụ NLĐ thuê lại bao gồm:

- Thực hiện công việc theo HĐLĐ đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động; Chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên thuê lại lao động; Được trả lương không thấp hơn tiền lương của những NLĐ của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

- Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thoả thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động; Thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo quy định tại BLLĐ (Điều 37); Thỏa thuận để giao kết HĐLĐ với bên thuê lại lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Tóm lại: Cho thuê lại lao động là phương thức nhằm đáp ứng kịp thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực để thực hiện công việc của doanh nghiệp, mở ra thị trường lao động cho các bên lựa chọn, tạo thêm kênh việc làm mới cho NLĐ và giúp người sử dụng lao động ứng phó kịp thời với sự biến động của thị trường lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động đã đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp cho thuê lại, bên thuê lại, NLĐ cho thuê lại mà Nhà nước cũng là chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động này.

Nên đọc

 

Theo Nguyễn Bá Lực – Trưởng Phòng Chính sách Lao động Việc Làm Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo