Cho tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại, đã lường trước các sự cố
Khi cho lưu hành trở lại, Bộ Y tế khẳng định: Đã lường trước các sự cố có thể vẫn xảy ra vì nhiều lý do khác không phải do vắc xin, hệ thống tiêm chủng mở rộng quốc gia đã củng cố và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để đảm bảo có thể hạn chế thấp nhất những sự cố đáng tiếc.
Vì sao vẫn có tai biến sau tiêm?
Quinvaxem vẫn đang được tiêm tại hơn 90 quốc gia trên thế giới với 100 triệu liều/năm. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên có quyết định tạm ngưng tiêm vắc xin này sau một thời gian sử dụng để điều tra nguyên nhân một số sự cố sau tiêm.
Sự việc tương tự từng xảy ra ở Srilanka, sau khi cho tiêm trở lại, tỉ lệ tai biến sau tiêm Quinvaxem ở đây không hề thấp hơn so với trước đó. Vì thế, thực tế ở VN có thể sẽ diễn ra như ở Srilanka.
GS - TS. Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng lường trước tình huống này và lý giải: “Ở VN, 60% các ca tai biến xảy ra sau tiêm Quinvaxem là do các nguyên nhân: Trùng hợp với 1 bệnh lý bẩm sinh của trẻ, sốc phản vệ của cơ thể trẻ trước một chất lạ và hiện tượng đột tử.
Có khoảng 40% ca tai biến không rõ nguyên nhân, do thiếu thông tin để kết luận nhưng chưa có một ca nào có bằng chứng là từ chất lượng vắc xin. Các lô vắc xin xảy ra phản ứng ở VN đã được gửi tới Viện kiểm định quốc tế và kết quả kiểm định cho thấy các mẫu đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Vì thế, Bộ Y tế mới có quyết định cho tiêm trở lại vắc xin 5 trong 1 này”.
Các tỉnh đã sẵn sàng có thể bắt đầu tiêm trở lại từ tháng 10, chậm hơn thì tháng 11 tới. Hiện đã có 1,5 triệu liều vắc xin Quivaxem được cung cấp cho 63 tỉnh/TP. Để giảm thiểu những nguy cơ xảy ra sau tiêm, trước khi cho tiêm trở lại, Bộ Y tế đã củng cố lại hệ thống tiêm chủng, từ đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiêm chủng đến Hội đồng đánh giá tai biến vắc xin, cơ sở vật chất.
GS Hiển cho biết: Còn tới 40% ca tai biến không rõ nguyên nhân. Chính vì còn tỉ lệ không nhỏ sự cố như vậy chưa được làm rõ nên người dân vẫn nghi ngại khi đưa con em đi tiêm phòng và cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng nhiều nơi có tâm lý lo ngại.
“Vì thế, chúng tôi chú trọng tập huấn nâng cao khả năng thu thập thông tin, bằng chứng, phân tích nguyên nhân tai biến cho các thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng ở các địa phương. Để nếu có sự cố xảy ra, họ có thể nhanh nhất vào cuộc tìm ra nguyên nhân và công bố cho người dân. Thông tin càng rõ ràng, minh bạch, người dân mới có thể tin tưởng và đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ, đúng thời điểm”.
Bắt buộc mỗi điểm chỉ tiêm 50 trẻ/buổi
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Dù Bộ Y tế đã nhận được một số văn bản của các Sở Y tế nói rằng khó thực hiện tiêm 50 trẻ/buổi/điểm tiêm, vì không có nhân lực. Nhưng đây là yêu cầu bắt buộc, bởi chỉ có việc hạn chế số trẻ được tiêm trong một buổi như vậy mới có thể tránh sự lộn xộn, ồn ào khiến cán bộ y tế không thể hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc con trước và sau tiêm, tổ chức tiêm cho tốt.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy đã có những điểm tiêm mà huyện chỉ cấp cho tối đa 50 liều vắc xin/buổi để tránh vượt rào. Việc bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng có thể phải kéo dài tới vài buổi, thay vì 1 buổi như trước, các tỉnh phải tự sắp xếp.
GS - TS Hiển cho biết thêm: “Lịch tiêm chủng 3 mũi Quinvaxem là 2,3,4 tháng tuổi. Do việc vắc xin tạm dừng từ tháng 5 đến nay, nếu cháu bé nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm tiếp chứ không phải tiêm lại từ mũi đầu. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. Miễn dịch đạt 60% sau mũi tiêm đầu tiên và đạt 100% sau mũi tiêm thứ 3.
Bà mẹ khi đưa con đi tiêm cần hiểu rõ con tiêm vắc xin gì, cần đọc nội quy tiêm chủng và hợp tác với cán bộ tiêm: Nói rõ về tình trạng sức khỏe của con, tiền sử dị ứng, phản ứng sau tiêm của những lần trước đó, thậm chí cả tiền sử dị ứng của bố mẹ; yêu cầu nhân viên y tế cho xem rõ tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ đựng; theo dõi phản ứng cơ thể của trẻ sau tiêm trong 2 ngày.
Nếu trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, bỏ bú hoặc bú ít, tím tái khó thở thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo