Pháp luật

Cho vay trả góp: Lách luật để kinh doanh trái phép?

Nhiều khách hàng phản ánh dính bẫy mua hàng trả góp với lãi suất "cắt cổ", đằng sau đó là các công ty có dấu hiệu kinh doanh trái phép.

 Mặc dù không có chức năng kinh doanh cho vay (cấp tín dụng) như các tổ chức tín dụng (ngân hàng hoặc công ty tài chính) nhưng nhiều công ty vẫn ngang nhiên tiến hành các thủ tục cho khách hàng vay trả góp với mức lãi suất 3,96%/tháng (tương đương với 47,52%/năm).

Không được NHNN cấp phép, vẫn triển khai cấp tín dụng
 
Theo phản ánh của hàng loạt khách hàng là nạn nhân của hình thức kinh doanh này, chúng tôi đã trực tiếp tìm hiểu và phát hiện ra nhiều chuyện giật mình.
 
Tại cửa hàng FPT Shop trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân– Hà Nội), sau khi lựa chọn chiếc điện thoại HTC với mức giá niêm yết 14.990.000 đ, chúng tôi  được các nhân viên ở đây tư vấn có thể mua hàng trả góp.
 
Nhân viên của FPT Shop giới thiệu đến gặp một nhân viên tư vấn, giao dịch tại quầy giao dịch của TNHH thương mại ACS Việt Nam (gọi tắt là công ty ACS) đặt ngay tại cửa hàng này để nghe hướng dẫn làm thủ tục vay trả góp.
 
Tại quầy giao dịch, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn về số tiền vay để mua trả góp sẽ được tính với mức lãi suất 2,2%/tháng (tương đương với 26,4%/năm). Nhân viên này cho biết: Nếu vay số tiền 9.990.000đ của công ty ACS trong vòng 9 tháng thì tổng số tiền phải trả là 11.968.000đ trong đó mỗi tháng phải trả 1.329.000đ (tháng đầu là 1.336.000đ).
 
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, cách tính lãi 2,2%/tháng mà ACS áp dụng nói trên là cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu. Còn nếu tính theo lãi suất trên dư nợ thực tế (mà NHNN yêu cầu áp dụng) thì tỷ lệ lãi suất sẽ lên đến 3,96%/tháng, tương đương 47,52%/năm (tính cho khoản vay 9 tháng).
 
Qua điều tra của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội, nhân viên của ACS cũng đặt quầy giao dịch ở các siêu thị điện máy như FPT Shop, Thế giới di động tương tự như các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng (có nhiều siêu thị điện máy đồng thời có bàn giao dịch của ACS, PPF và VPBank).
 
Theo ý kiến của các luật sư, để được thực hiện nghiệp vụ cho vay trả góp như công ty ACS đã làm ở trên thì công ty này phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép theo Luật Các Tổ chức tín dụng và chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN. 
 
Tuy nhiên, theo Chứng nhận đầu tư số 411023000375 (thay đổi lần thứ 5: ngày 17/1/2014) của UBNDTP Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh cấp tín dụng; cụ thể là hoạt động cho vay, cho vay trả góp.
 
Thế nhưng, như đã nói ở trên, không chỉ hoạt động “chui” dưới hình thức tư vấn cho vay trả góp mà ACS còn ngang nhiên hiện diện thương hiệu và đặt các quầy giao dịch tại các cửa hàng điện máy để thực hiện nghiệp vụ cho vay như một công ty tài chính tiêu dùng…
 
 Gian hàng cho vay như một tổ chức tín dụng được công khai ở một trung tâm điện máy.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật 
 
Theo như thông tin mà phóng viên tìm hiểu, Công ty ACS theo quy trình của mình đang “lách luật” để cho vay trả góp bằng cách thay mặt khách hàng thanh toán tiền mua sản phẩm cho nhà cung cấp (bán hàng), sau đó thu tiền của khách hàng dưới hình thức trả chậm (trả góp).
 
Hoạt động của Công ty ACS hiện chiếm thị phần khá lớn trong lĩnh vực cho vay trả góp (theo thông tin điều tra thu thập được là khoảng 30% thị phần này tại Việt Nam).
 
Sản phẩm cho vay trả góp của Công ty ACS chủ yếu là điện thoại, máy tính, đồ nội thất, giá trị khoản vay từ 20 đến 30 triệu với lãi suất trả chậm từ 30 đến 46%/ năm với thời hạn trả chậm từ 6 tháng đến 24 tháng.
 
Công ty ACS thực hiện quy trình “lách luật” để cho vay trả góp như sau: Khách hàng khi lựa chọn được sản phẩm cần mua tại một số siêu thị điện máy và có nhu cầu mua trả góp, sẽ được nhân viên của ACS trực tại siêu thị điện máy đó tư vấn, hoàn thiện và tiếp nhận hồ sơ mua hàng trả chậm.
 
Hồ sơ của khách hàng được nhân viên giao dịch chuyển về công ty ACS để xét cho vay, sau đó công ty ACS sẽ thông báo cho cửa hàng các trường hợp khách hàng đủ điều kiện. Với hồ sơ được công ty ACS chấp thuận, cửa hàng giao sản phẩm cho khách hàng, đồng thời làm thủ tục bán hàng và chuyển các giấy tờ liên quan đến sản phẩm cho công ty ACS. Công ty ACS sẽ thanh toán trước cho cửa hàng, sau đó nhận tiền trả góp hàng tháng từ khách hàng.
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay trả góp của Công ty ACS, luật sư Nguyễn Văn Tú, đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, công ty luật Fanci (Hà Nội) cho biết:
 
“Qua những thông tin nêu trên thì rõ ràng về bản chất, hoạt động tài trợ mua hàng trả chậm của Công ty ACS tương tự như hoạt động cho vay trả góp của các công ty tài chính tiêu dùng, xét về giao dịch giữa công ty với khách hàng cũng cũng như quan hệ giữa công ty với nhà cung cấp. Rõ ràng, khi khách hàng lựa chọn sản phẩm và quyết định mua thì sản phẩm này thì sản phẩm này thuộc sở hữu của các cửa hàng, siêu thị chứ không phải của Công ty ACS.
 
Chỉ sau khi khách hàng đã đồng ý vay trả góp với mình, Công ty ACS mới mua lại sản phẩm đó để hợp thức hóa việc tài trợ tín dụng mua hàng trả chậm. Lợi nhuận thu được của Công ty ACS thực chất chỉ từ hoạt động kinh doanh “tài trợ tín dụng mua hàng trả chậm”.
 
Đây thực chất là hoạt động “lách luật” của Công ty ACS khi muốn hoạt động trong lĩnh vực cấp tín dụng… Trong khi hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, trong đó có hoạt động cho vay trả góp, phải chịu sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan thì hoạt động tương tự của công ty ACS lại không chịu sự ràng buộc của các văn bản này. Đó là điều không thể chấp nhận được!”. 
 
Ở một khía cạnh khác, luật sư Tú cũng cho biết: Nếu không phải là một tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì các hoạt động cho vay của công ty ACS không được tự do thỏa thuận mức lãi suất với khách hàng mà phải chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự. Cụ thể là Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". 
 
Và với các mức lãi suất mà ACS đang ấp dụng hiện nay (đã vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản) thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện ACS, yêu cầu tòa án tuyên các hợp đồng mà công ty này đã ký với khách hàng là vô hiệu và đòi lại khoản tiền lãi của mình.
 
Có thể nói, việc Công ty ACS chỉ đơn thuần là một công ty thương mại, có Giấy phép kinh doanh do UBND TP. HCM cấp, hoạt động kinh doanh thông thường nhưng lại “lấn sân” sang hoạt động tín dụng mà cụ thể là hoạt động cho vay trả góp đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
 

 Về quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay trả góp

 
Khoản 12 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: "Hoạt động ngân hàng và việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a, Nhận tiền gửi; b, cấp tín dụng...
 
Khoản 14 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: "Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác".
 
Khoản 16 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: "Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi".
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo