Thị trường

Cho vay VND lãi suất 7%/năm: Mừng và thấp thỏm

Thông tin trên vừa được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đưa ra, với điều kiện khách hàng cam kết đảm bảo bằng USD. Khách hàng vay có được lợi?

Tiền đâu cho vay lãi suất 7%?

Theo Eximbank chương trình cho vay VND lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND, với lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ nay đến cuối năm.

 

Tất nhiên, để tiếp cận mức lãi suất này, khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỷ giá USD/VND, từ nay đến cuối năm tối đa là 3%, nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó.

 

Tổng giám đốc Eximbank - ông Trương Văn Phước cho biết: “Việc bảo hiểm tỷ giá như vậy là để tạo niềm tin cho người vay mạnh dạn vay VND, khống chế được rủi ro tối đa trong khi mức lãi suất 7%/năm là một mức thấp thực tế. Điều này cũng giúp họ kiểm soát và giảm thiểu được chi phí vay vốn”.

 

Trả lời câu hỏi vì sao Eximbank cho vay với lãi suất chỉ 7%/năm, trong khi huy động đang là 9%-11%/năm, nguồn vốn rẻ này sẽ được lấy từ đâu?

 

ông Phước nói: “Điều kiện tiên quyết để triển khai chương trình này ngân hàng phải có nguồn ngoại tệ mạnh để chuyển đổi. Eximbank có nguồn ngoại tệ dồi dào, có lợi thế nguồn vốn ngoại tệ qua quan hệ đại lý với hơn 700 ngân hàng trên thế giới. Tranh thủ nguồn ngoại tệ đó chuyển đổi sang VND để cho vay với lãi suất trên”.

 

Về lượng vốn cho vay theo chương trình, ông Phước thừa nhận nếu của riêng Eximbank thì còn hạn chế, nhưng nếu tỷ giá USD/VND ổn định, các ngân hàng khác cùng vào cuộc chắc chắn sẽ tạo sức mạnh tổng hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn tiết giảm chi phí, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

 

Nhận xét về sản phẩm cho vay 7%/năm của Eximbank có tham chiếu tỷ giá, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía Nam khác phân tích: “Về cơ bản nó không khác gì sản phẩm cho vay VND lãi suất bằng USD mà các ngân hàng vẫn làm.

 

Tuy nhiên, phải nói là Eximbank khá nhạy bén khi lần đầu đưa ra thị trường sản phẩm này và đương nhiên các doanh nghiệp sẽ rất thích tiếp cận vay. Và khả năng họ sẽ kéo được nhiều khách tốt”.

 

Nhưng ông đảm bảo chắc chắn, ngân hàng sẽ nắm đăng chuôi khi chọn doanh nghiệp để cho vay phải là đối tượng có nguồn thu ngoại tệ.

 

Và cơ bản Eximbank là ngân hàng “khoẻ” nên họ mới làm được. Vấn đề e ngại nhất đó là nằm ở tính ổn định hay không của tỷ giá VND/USD. Nếu tỷ giá ổn định thì bên vay sẽ rất có lợi.

Người vay được lợi

Việc cho vay VND lãi suất 7%/năm, dù bị rủi ro tỷ giá 3% người vay vẫn được lợi.
Việc cho vay VND lãi suất 7%/năm, dù bị rủi ro tỷ giá 3% người vay vẫn được lợi..

 

Một chuyên gia tài chính phân tích, giả sử có biến động về tỷ giá hết biên độ tối đa 3% trong năm 2012 như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố thì chi phí phát sinh bên cạnh lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 nếu xảy ra tối đa là 3% trên dư nợ thì lãi suất vay cũng chỉ ở mức hơn 10%/năm.

 

Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, thì người vay được hưởng trọn vẹn mức lãi suất chỉ 7%/năm, thay vì các mức phổ biến 12%-15%/năm hiện nay.

 

Về khả năng rủi ro tỷ giá, ông Phước nhìn nhận: Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng, và hiện vẫn giữ vững, là biến động trong năm nay chỉ ở khoảng 2% - 3%.

 

Hiện tỷ giá USD/VND đang ổn định, các cán cân thanh toán, cán cân tổng thể đã cân bằng, thậm chí thặng dư và được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ tiếp tục thặng dư trong thời gian tới; dự trữ ngoại hối liên tục tăng nhanh trong thời gian qua để tạo nguồn lực cần thiết can thiệp thị trường nếu có biến động.

 

Theo đó, rủi ro tỷ giá USD/VND đối với người vay trong chương trình trên của Eximbank là có thể lường tính được.

 

Trường hợp các khoản vay có kỳ hạn ngắn hơn 6 tháng thì có thể càng giảm thiểu được rủi ro của tỷ giá.

 

Nhận xét về tỷ giá, lãnh đạo một ngân hàng khác cũng cho rằng về xu hướng từ nay đến cuối năm tỷ giá chắc chắn sẽ tăng thêm một chút. “Nếu nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô bị gián đoạn thì có thể các ngân hàng sẽ vét USD trên thị trường.

 

Tuy nhiên, nhiều khả năng vào cuối năm kiều hối sẽ về nhiều. Chưa kể nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng chưa nhiều vì doanh nghiệp còn phải lo giải quyết nốt hàng tồn kho trong nước nên chắc chắn “cầu” ngoại tệ sẽ không tăng mạnh”- ông này dự đoán.

 

Theo một đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. “Trong cả quý I, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thặng dư 5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua tính theo quý. Dự báo quý II, tình hình tiếp tục khả quan. Thanh khoản ngoại tệ trong ngân hàng đã cải thiện tích cực.

 

Ngân hàng Nhà nước giữ cam kết cả năm 2012 tỷ giá chỉ tăng 2-3%. Từ đầu năm tới nay tỷ giá liên ngân hàng vẫn giữ ổn định, dư địa còn lại cho những tháng cuối năm chắc chắn không vượt ngưỡng cam kết”- Vị này nói.

Yêu cầu miễn giảm lãi suất cho khách hàng khó khăn

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản về việc thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 13. Theo đó,  yêu cầu các Ngân hàng Thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo lãi suất cho vay hiện hành, nhất là lĩnh vực ưu tiên nhằm chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và người dân.

 

Đồng thời, các Ngân hàng Thương mại phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

 

Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các Ngân hàng Thương mại cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ xấu và cần miễn giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính...

 

 

Theo Khánh Huyền (TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo