Chối bỏ... tiền xu
Sau chín năm lưu hành, tiền xu không còn đất sống và bộc lộ bất tiện mỗi khi giao dịch, thanh toán.
Nộp tiền xu bị thu phí
Sáng 3-12, anh Trung, một người dân ở quận 11, TP.Hồ Chí Minh đến Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Chợ Lớn) để nộp tiền điện. Tổng số tiền anh nộp vào là hơn 1 triệu đồng, trong đó hơn 200.000 đồng là tiền xu mệnh giá 5.000 đồng. Tuy nhiên, anh Trung bị nhân viên ngân hàng yêu cầu phải trả phí kiểm đếm số tiền xu trên là 55.000 đồng. “Số tiền phí quá lớn, bằng 25% số tiền xu tôi nộp vào. Do vậy tôi buộc phải nộp bằng tiền giấy để khỏi bị thu phí” - anh Trung bức xúc.
"Ngân hàng Nhà nước nên thu hồi tiền xu trước đây. Sau này nếu có ý định phát hành lại tiền xu thì nên nghiên cứu toàn diện. Tránh tình trạng phát hành tiền xu rồi mới xây dựng các hình thức thanh toán tự động. Khi nào người dân thấy được sự tiện lợi của hình thức thanh toán tự động thì tiền xu mới còn đất sống", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Trường hợp của anh Trung không phải cá biệt. Trước đó chị Mai (quận 3) cũng phản ảnh nộp tiền xu tại một chi nhánh của Ngân hàng Agribank đã bị từ chối với lý do “ngoài chợ không xài tiền xu”, và yêu cầu phải đến hội sở ngân hàng để giải quyết dù số tiền đổi chỉ vài trăm ngàn đồng. “Đi nhà sách, siêu thị, bưu điện... tôi đều được thối lại bằng tiền xu. Giờ ngân hàng không nhận nên tôi “ôm” một lượng đáng kể tiền xu nhưng không xài được” - chị Mai nói. Nhiều người cho biết do không thanh toán được nên tiền xu chỉ còn dùng để sưu tập hoặc cạo gió.
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ngân hàng Sacombank cho rằng không thu phí nhận tiền xu mà chỉ thu phí kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ, từ 5.000 đồng trở xuống và việc này được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Mức phí kiểm đếm này bằng 0,5% số tiền, tối thiểu là 50.000 đồng.
Một số ngân hàng khác cho biết hiện tiền xu chỉ có thể nhận vào chứ không chi ra được vì người dân không chịu nhận. Trong khi đó muốn nộp về Ngân hàng Nhà nước các ngân hàng phải tập trung đủ số lượng và làm theo đúng quy cách, phân loại mệnh giá theo từng bao, mỗi bao gồm 1.000 đồng tiền xu. Sau đó các chi nhánh tập kết về hội sở và chờ kha khá mới đem nộp tại kho bạc Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, từ khi nhận từ người dân đến lúc nộp ở kho bạc Ngân hàng Nhà nước mất thời gian khá dài, một lượng vốn không nhỏ không quay vòng được trong một thời gian dài và kiểm đếm khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều chi nhánh ngân hàng ngại nhận tiền xu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.Hồ Chí Minh, thừa nhận việc kiểm đếm tiền xu tốn công hơn kiểm đếm tiền giấy, trong bối cảnh các ngân hàng phải chạy theo chỉ tiêu kinh doanh như hiện nay, khó nơi nào chịu tốn tiền thuê nhân viên để làm các việc này.
Tuy nhiên theo bà Hằng, trường hợp người dân đến nộp tiền điện, trong đó có trả tiền xu mà ngân hàng thu phí là sai vì tiền công kiểm đếm đã bao gồm trong gói dịch vụ rồi. “Khách hàng nộp tiền xu bị thu phí phải hỏi rõ xem nhân viên ngân hàng căn cứ vào quy định nào? Đặc biệt, ngân hàng không được phép từ chối nhận tiền xu của người dân. Trường hợp tiền kim loại “xuống sắc” hoặc bị từ chối thanh toán, người dân có thể đem đến thanh toán ở hệ thống siêu thị, bưu điện hoặc đổi tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước” - bà Hằng cho hay.
Bà Hằng cũng cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước TP.Hồ Chí Minh đang tiến hành thu hồi dần tiền kim loại trong lưu thông và không chi ra nữa.
Chất lượng kém
Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, tiền mệnh giá nhỏ gần như đều sử dụng tiền xu. Tuy nhiên tại Việt Nam, người dân có tâm lý chuộng tiền giấy hơn tiền xu vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc tiền xu bị loại dần ra khỏi lưu thông xuất phát từ nguyên nhân chất lượng đồng tiền quá kém. Chỉ sử dụng một thời gian ngắn đồng tiền đã xỉn màu, lại dễ rơi rớt. Ngoài ra, còn do thói quen tiêu dùng của người dân. Một thời gian dài người dân đã quen sử dụng tiền giấy, giờ đây khôi phục thói quen dùng tiền xu không phải dễ.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, do lạm phát tăng nhanh, tiền xu mệnh giá quá nhỏ nên người dân không còn dùng nữa. Ngoài ra, việc đưa tiền xu vào lưu hành rộng rãi từ cuối năm 2003 với mục đích tạo tiền đề cho phát triển việc thanh toán tự động, thế nhưng đến thời điểm này hệ thống thanh toán tự động vẫn chưa phát triển. Bên cạnh đó, ông Doanh cho rằng chất lượng cũng là một trong số những nguyên nhân khiến tiền xu bị chê.
Chợ cũng chê tiền xu
Tại các chợ, tiệm tạp hóa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nhiều người đều quay lưng với tiền xu. Người dân khi mua hàng thanh toán bằng tiền xu đều nhận được cái lắc đầu từ chối với lý do: bây giờ ai còn xài tiền xu nữa!
Chị Lê Ngọc Thụy, người dân ở đường Nguyễn Văn Nghi (Quận Gò Vấp), cho biết: “Tôi đã không xài tiền xu khi đi chợ cả mấy năm nay vì tiểu thương không nhận, chẳng làm được gì, đem về cho mấy đứa nhỏ bỏ ống heo được thôi”. Hầu hết tiểu thương các sạp từ rau củ tới thịt heo, tạp hóa tại chợ Gò Vấp đều nhất định từ chối nhận tiền xu khi người dân đi mua hàng.
Anh Việt Hùng, chủ tiệm tạp hóa trên đường Tân Sơn Nhì (Quận Tân Phú), giải thích người dân không còn xài tiền xu vì chất lượng kém. “Lỡ dính nước hay để lâu chỗ ẩm ướt là bị gỉ sét, biến màu rất xấu xí, bất tiện”- anh Hùng đem ra vài chục đồng tiền xu bị hư hại phàn nàn. Chị Phan Thị Lan (Quận Tân Bình) phàn nàn rất nhiều lần chị dùng tiền xu trả tiền gửi xe nhưng không bãi giữ xe nào đồng ý nhận.
Thảo Nguyên (Theo TTO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước