Xã hội

Chơi sang làm hầm vượt sông: Hà Nội đừng đua đòi!

Nhiều ý kiến độc giả bày tỏ quan điểm, mong Hà Nội nên cân nhắc lựa chọn làm hầm hay cầu vượt sông Hồng để có quyết định đầu tư khôn ngoan hơn, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn.

Theo đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, theo đó, Hà Nội sẽ làm 15 cầu và một hầm vượt sông Hồng. Trong đó có tám cầu vượt sông Đuống, ba cầu vượt sông Đà và các cầu vượt sông Đáy.  

Đề án làm hầm vượt sông Hồng đã được trình Chính phủ phê duyệt
 
Lập luận của nhóm tác giả này là vì mục đích giãn dân phố cổ và giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. 
 
Sao cứ nhắm đất vàng để quy hoạch?
 
Trước thông tin này, các KTS, nhà nghiên cứu khoa học liên tục lên tiếng phản đối. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, ông không tán thành phương án làm hầm vượt sông Hồng. Vì làm hầm vừa phức tạp, tốn kém, lại chưa có khảo sát thực địa kỹ càng. Để thực hiện được người ta phải khảo sát địa chất trước đó cả 1 thế kỷ. 
 
Ông Nghiêm cũng thẳng thắn, Hà Nội đừng đưa ra mục đích giãn dân, vì hầm hay cầu ở đây chỉ có tác dụng làm cảnh chứ không có tác dụng giãn dân hay giảm tắc đường. 
 
KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng cho rằng nếu đưa ra lý do xây hầm đường bộ để giãn dân là không cần thiết. Vì hầm này sẽ không đạt được mục đích, có hầm không khiến người dân thích thú qua bên kia sinh sống.  
 
Đồng tình với quan điểm này, nhiều độc giả đã lên tiếng phản hồi và cho rằng để dân phố cổ chuyển đi không khó, cái khó là phải đảm bảo nơi “an cư lạc nghiệp” thì họ sẽ đi chứ không vì có hầm hay cầu. 
 
Độc giả Tâm chia sẻ: “Chỉ cần Hà Nội đảm bảo nơi sinh sống, ăn ở, việc làm thì người dân phố cổ sẽ chuyển đến ngay. Chuyển đi chỉ cho người ta con cá mà không cho họ cái cần thì họ sống thế nào được”.
 
“Dân phố cổ chẳng muốn đi đâu cả, các ông thích quy hoạch gì thì sang bên kia sông mà quy hoạch sao lại cứ nhắm đất vàng để dân đi thế”, độc giả Vũ gay gắt. 
 
Vấn đề này cũng được ông Trần Hải Minh, giảng viên khoa Vận tải kinh tế - trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Hà Nội có làm thêm hầm vượt sông Hồng, dân phố cổ cũng không đi, nghĩa là về cơ bản là không giải quyết được  vấn đề.
 
Để giãn được dân phố cổ, Hà Nội phải  hình thành nên các trung tâm rất đông dân cư, tại các trung tâm này sẽ có những hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán lúc đó hoạt động kinh doanh ở phố cổ mới giải quyết được.
 
Nợ tăng dân gánh… Lợi vì ai?
 
KTS Ngô Doãn Đức, đã bày tỏ nghi ngờ trước mục đích mà nhóm các tác giả này đưa ra. Ông Đức đặt lại vấn đề: “Hà Nội làm hầm vượt là vì lợi ích của ai?”. Ông Đức cho rằng, về lâu dài thì chủ trương này là đúng nhưng chúng ta là nền kinh tế đi vay, nên phải có sự cân nhắc, xem xét theo thứ tự ưu tiên trước làm sao để sử dụng một cách hiệu quả nhất đồng vốn của ngân sách. 
 
Độc giả Phạm Đình Khang dẫn chứng: “Đầu tư tràn lan, đầu tư không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành...là những cụm từ - thuật ngữ trong các DNNN được ưa thích nhất! Báo cáo với QH hôm nào nợ chỉ có 1.350 ngàn tỉ (63tỉ USD chiếm 50% GDP), mới đây lên 1.550 ngàn tỉ.
 
Trong khi đó, Hà Nội cũng là một trong 40 địa phương không nộp đủ ngân sách như dự toán, thậm chí nợ công còn tăng nhanh chóng. 
 
Một quan chức của thành phố đã dẫn chứng số liệu cho thấy, ước thu cả năm 2013 chỉ đạt hơn 120.000 tỉ đồng , tức hụt thu gần 41.000 tỉ đồng so với dự toán giao. 
 
Trong khi đó, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản lại tăng chóng mặt. Con số hết năm 2012, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa đầy 1.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 đã lên tới trên 3.000 tỉ đồng, dù các kỳ họp HĐND đã nhiều lần cảnh báo.
 
Độc giả Vân ngao ngán, “có lẽ đề xuất xây hầm chỉ là mục tiêu tiêu tiền ngân sách và tăng giá đất bên Gia Lâm, Long Biên thôi. Làm cầu hiệu quả hơn nhiều so với làm hầm”.
 
Còn độc giả Trần Nam thất vọng “kinh tế đang khó khăn chồng chất, nợ ngập đầu, vậy mà các bác vẫn cứ ngồi điều hòa để vẽ dự án nhỉ? Lợi ích khi phê duyệt và đầu tư thuộc về ai thì tất cả người dân VN đều biết”.
 
Đó cũng là quan điểm của độc giả Quang: “Xây hầm thì tất nhiên có lợi cho những ai có chấm mút ở dự án đó rồi, dân thì lợi gì nếu cứ chia đầu dân ra để tính trả nợ thì ai cũng sẽ chẳng thấy lợi ở chỗ nào đâu. Cầu thì san sát rồi…”
 
Hà Nội nên đầu tư khôn ngoan hơn
 
Chủ trương này thực chất đã từng được đưa ra thảo luận từ trước đó 2 năm, tuy nhiên hầu hết các kiến trúc sư đều không đồng ý lựa chọn phương án xây hầm vượt qua sông Hồng vì tốn kém, phức tạp và chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. 
 
Tuy nhiên, mới đây đồ án này lại được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt, mặc các chuyên gia tiếp tục đưa ra những ý kiến phản biện.
 
Về phía các độc giả, nhiều ý kiến cũng cho rằng Hà Nội nên cân nhắc, lựa chọn để sử dụng ngân sách cho hiệu quả nhất. 
 
Độc giả Châm đưa ra lời khuyên: “Lãnh đạo TP Hà Nội nên khôn ngoan hơn trong việc dùng tiền để đầu tư phát triển thành phố. Ví dụ đầu tư vào trường học, bệnh viện có ích cho dân hơn là xây nhà vệ sinh trị giá cả tỷ bạc”.
 
Đó cũng là ý kiến của độc giả Duy Nguyễn. Độc giả này phân tích SG người ta xây hầm Thủ Thiêm vì ngay vị trí băng sông SG là chỗ quay đầu của các tàu vào cảng SG. Dù thế nào thì Hà Nội cũng chưa nên làm vì đất nền sông Hồng yếu, quản lý còn nhiều vấn đề. 
 
Một thực tế nữa cũng được các độc giả chỉ ra, hiện tình trạng cầu thừa, thiếu người đi như ở cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì chưa hoạt động hết công suất. 
 
“Quá buồn, không biết xây hầm vượt sông Hồng để làm gì khi đã có quá nhiều cầu trong khi đó cầu Thăng Long thì "vá đi, vá lại". Thay vì xây hầm vượt sông, nên xây cầu khác để thay thế cho "tầng 2" ... “, độc giả Chung bày tỏ. 
 
Theo kiến nghị của độc giả Manh Duong, Hà Nội chỉ cần thực hiện dự án "Thành Phố Sông Hồng" trước đây của Hàn Quốc thiết kế thì đã là quá đẹp rồi, thêm việc cải tạo lại các khu vực hai ven bờ sông, kè bờ và tôn cao, xây dựng các bãi bồi giữa ... 
 
Độc giả T. Công đặt lại vấn đề: “Không biết Các " chuyên gia " lập các dự án trên có nằm trong số 30 % cắp ô không nhỉ”.
 
"Hà Nội đừng đua đòi để làm nghèo đất nước", độc giả Nguyễn Huỳnh Duy tha thiết.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo