Xã hội

Chọn đại sứ du lịch đừng nặng về tiền!

Xung quanh chức danh Đại sứ du lịch đang là một câu chuyện nóng trên dư luận gần đây, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Thưa ông, trong việc lựa chọn diễn viên Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ du lịch trong nhiệm kỳ 2012-2013, lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế thường nêu ra một lý do là cô có khả năng tự chủ về tài chính. Tại sao chúng ta luôn đặt nặng vấn đề này, phải chăng trong kinh phí xúc tiến du lịch không có khoản nào để hỗ trợ cho hoạt động của Đại sứ du lịch?

- Kinh phí xúc tiến du lịch của chúng ta quả thực rất eo hẹp, so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan thì chỉ bằng 1% của họ thôi. Tôi nghĩ vì chủ trương xã hội hóa công tác quảng bá du lịch nên trong tiêu chí tuyển chọn Đại sứ du lịch mới nhắc đến việc tự chủ kinh phí này.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, tới đây có lẽ ta không nên đặt nặng yếu tố này để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cá nhân cùng tham gia.

Một vấn đề khá khó hiểu là tại sao việc tuyển chọn Đại sứ du lịch không được giao cho Tổng cục Du lịch - cơ quan chuyên môn về du lịch đảm trách mà lại giao cho Cục Hợp tác quốc tế?

- Vấn đề này do lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định, chúng tôi là cấp dưới nên tuyệt đối tuân thủ.

Vừa rồi ông Trần Quang Hảo - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Du lịch có nhận xét rằng “danh hiệu Đại sứ du lịch chỉ để làm đẹp thôi”. Ông Vũ Cường - Tham tán thương mại tại Myamar thì cho biết là không biết Đại sứ du lịch đã làm được những gì... Cá nhân ông đánh giá nhiệm kỳ vừa rồi của Đại sứ Lý Nhã Kỳ thế nào?

- Tôi nghĩ cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, những đóng góp của Lý Nhã Kỳ đã được Cục Hợp tác quốc tế thống kê hết rồi, vừa rồi họp báo lấy ý kiến góp ý về tuyển chọn Đại sứ du lịch, khá nhiều nhà báo cũng thừa nhận đại sứ đã hoạt động hết sức tích cực, năng nổ. Cô ấy đã đóng góp nhiều trong vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, rồi Việt Nam đăng cai ASIAD 2019...

Có ý kiến cho rằng thay vì đi tìm một cô gái đẹp làm đại sứ, ngành du lịch nên phát động chiến dịch mỗi người dân hãy trở thành một đại sứ để nâng cao ý thức của mọi người, giúp cho môi trường du lịch trong lành hơn. Liệu chúng ta có nên đặt quá nặng vấn đề tìm 1 Đại sứ du lịch như hiện nay?

- Tôi cũng đồng ý một phần với quan điểm này. Tuy nhiên nhiều nước trước chúng ta vẫn cần có một đại sứ là một người nổi tiếng, có thể là ca sĩ, diễn viên hay ngôi sao bóng đá, tầm ảnh hưởng của họ rất lớn, họ sẽ là cầu nối để quảng bá hình ảnh du lịch tốt nhất. Còn chiến dịch vận động từng người dân thì trước đây ngành cũng đã có rồi, đó là “Chiến dịch nụ cười” (Smile campaign) để mọi người cùng thể hiện sự thân thiện với du khách, tạo một ấn tượng tốt về Việt Nam.

Ông bình luận gì về con số 80 đến 85% số du khách khi được phỏng vấn đã không muốn quay trở lại Việt Nam, trong thời gian tới, Tổng cục có kế hoạch gì để cải thiện tình hình và điều đó có được coi như là một nhiệm vụ của Đại sứ du lịch trong những nhiệm kỳ tới?

- Thật ra con số này theo tôi không đáng lo, theo thống kê của Tổng cục du lịch Hà Nội thì con số khách cho biết muốn quay trở lại Hà Nội cũng rất là cao. Căn cứ vào tâm lý bình thường của du khách mà nói, ai muốn đi du lịch mà chẳng muốn khám phá những địa điểm mới, việc muốn quay trở lại một địa điểm nào đó chỉ là hãn hữu. Còn về chức năng của Đại sứ du lịch thì đây không phải là một người hoạt động chuyên ngành về du lịch, đây là một “nhà ngoại giao nhân dân”, một “quyền lực mềm” để làm cầu nối giữa bạn bè quốc tế với đất nước ta, làm sao để có thể tạo ra một hình ảnh thân thiện, dễ mến là được.

Đã bắt đầu quý II/2013 mà kinh phí cho hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam vẫn chưa có, điều này có cản trở nhiều đến triển khai Năm du lịch 2013?


- Đó là một khó khăn của chúng tôi mà rất mong báo chí và tất cả mọi người chia sẻ. Chúng tôi không phải doanh nghiệp, chỉ là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nên việc chờ đợi ngân sách rót về cho các hoạt động xúc tiến du lịch là đương nhiên. Kinh phí hoạt động chưa có, nhiều khi chúng tôi còn phải đi vay mượn chỗ nọ chỗ kia để đảm bảo hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo