Chống lệnh TP Hà Nội, huyện Mê Linh làm ngơ cho cát tặc?
Cát tặc ngang nhiên lộng hành
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, thời gian vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống gần bến phà Chu Phan (Mê Linh, Hà Nội) phản ánh về việc hàng chục tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động suốt ngày đêm, bất chấp yêu cầu xiết chặt công tác quản lý khai thác, kinh doanh bến bãi trái phép của UBND TP Hà Nội.
Nhiều người dân cũng khẳng định, vài tàu cuốc ở đây hoạt động suốt ngày đêm, không rõ có được cấp phép hoạt động khai thác như vậy hay không nhưng hầu như không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày qua, ngoài khu vực bến phà Chu Phan và mỏ khai thác cát san lấp, bãi chứa vật liệu xây dựng của Công ty CP Thương mại Tiền Giang (Công ty Tiền Giang) tại xã Chu Phan (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) thường xuyên có 4,5 chiếc tàu cuốc và hàng chục chiếc tàu bơm, hút cát ngang nhiên hoạt động.
Những chiếc tàu hút cát tại đây thường không mang số hiệu, thay nhau di chuyển liên tục trên các đoạn sông, “ăn” đầy cát rồi từ từ tiến vào bơm cát lên bãi cát khổng lồ của Công ty Tiền Giang nằm ngay gần đó.
Được biết, Công ty Tiền Giang không được cấp phép khai thác cát sỏi dưới sông mà chỉ được khai thác cát san lấp tại bãi bồi. Tuy nhiên, một số người dân tại khu vực này cho biết, nhiều tàu hoạt động trong khu vực đều liên quan đến việc khai thác, mua bán cát của công ty này.
Vậy tại sao trong khi TP Hà Nội đã phải yêu cầu xiết chặt quản lý, xử lý nghiêm tình trạng cát tặc hoành hành, kinh doanh bến bãi trung chuyển sai quy định...trước đây vốn bị buông lỏng, thì doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật như vậy?
Huyện “Bảo kê” khai thác cát trái phép?
Theo Quyết định số 703/QĐ-TNMT-KS ngày 23/12/2009 của Sở TNMT Hà Nội cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Thương mại Tiền Giang, cho phép đơn vị này khai thác cát san lấp tại xã Chu Phan với diện tích khai thác là 40ha; diện tích bãi chứa và khu văn phòng là 2ha.
Vậy nhưng việc Công ty Tiền Giang bị phản ánh lợi dụng giấy phép khai thác cát san lấp trên bãi bồi, tiếp tục sử dụng nhiều tàu, thuyền để khai thác cát dưới lòng sông đã diễn ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý địa phương không kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Trái lại, ông Hà Huy Quang – Phó phòng TNMT huyện Mê Linh tỏ rõ thái độ bất hợp tác, liên tục né tránh cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời chối bỏ trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực TNMT trên địa bàn; đẩy trách nhiệm kiểm tra, xử lý sang lực lượng công an huyện.
Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam đăng tải nội dung phản ánh vụ việc, đồng thời đề nghị UBND huyện Mê Linh xác minh, làm rõ, dù có thể biết “hai năm rõ mười”, nhưng ông Hà Huy Quang lại cho rằng: “Lĩnh vực kiểm tra là của Sở (Sở TNMT – PV)”; “Nó thuộc lĩnh vực vi phạm nên tớ chuyển thông tin đấy sang bên công an huyện”…
Điều này trái ngược với chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – Vũ Hồng Khanh trước tình trạng khai thác cát, kinh doanh bến bãi trái phép trên địa bàn thành phố thời gian qua; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm xử lý các vi phạm này thuộc người đứng đầu UBND các cấp chính quyền, cơ quan Công an và cơ quan TNMT.
Trước sự bất hợp tác, có dấu hiệu bao che, né tránh cung cấp thông tin về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TNMT trên địa bàn, PV đã tiếp tục liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mê Linh nhưng đơn vị này cũng chưa có phản hồi.
Ngày 11/11/2016, bà Phạm Thị Nguyệt Nga - giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Anh Tùng đã bị bắt, tạm giam để điều tra tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Theo cơ quan CSĐT (PC46), Công an TP. Hà Nội, bà Nga đã có hành vi lợi dụng việc được cấp phép thực hiện dự án nạo vét, tận thu sản phẩm cát tại khu vực sông Hồng để tổ chức chỉ đạo khai thác cát trái phép với tổng khối lượng lên tới 835.485,5 m3 Hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 8,3 tỷ đồng (theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tư pháp). |
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo