Xã hội

Chống tiêu cực phải được vinh danh xứng đáng!

Chống tiêu cực là một việc không phải ai cũng đủ dũng cảm để chấp nhận “mang vạ vào thân”. Những người anh hùng thầm lặng này dù chiến thắng, họ phải trả giá rất lớn, không chỉ chấp nhận sự thiệt thòi, mà tính mạng nhiều khi còn bị đe dọa. Tuy nhiên, việc vinh danh họ vẫn còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá hiếm hoi.

Mất thì nhiều, được chẳng bao

Chuyện chị Phan Thị Oanh - kỹ thuật viên Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - người có công lớn trong việc thu thập chứng cứ, tố cáo sự gian dối trong việc nhân bản kết quả xét nghiệm - vừa bị khởi tố, khiến chúng tôi liên tưởng đến trường hợp em Đỗ Ngọc Sơn - thí sinh quay clip, tố cáo tiêu cực có hệ thống tại Hội đồng thi trường dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm học trước. Nhờ có clip này mà hàng loạt cán bộ ngành giáo dục của tỉnh dung túng, bao che và tiếp tay cho những sai phạm đã bị sa thải và chịu hình thức kỷ luật.

Nhưng vào thời điểm khi clip xuất hiện, lập tức lãnh đạo Bộ GDĐT đã lên tiếng không chấp nhận hành vi “lấy tiêu cực để chống tiêu cực”. Theo quy chế của bộ thì thí sinh không được phép mang thiết bị quay, ghi hình vào phòng thi. Đỗ Ngọc Sơn đã phải đối mặt với nguy cơ không được công nhận kết quả tốt nghiệp. Thí sinh dũng cảm này ngay lập tức đã phải chịu áp lực, nào là công an mời lên làm việc, thầy cô, bạn bè trách móc, xa lánh, khiến Sơn hụt hẫng, rơi vào tâm trạng hoảng loạn.

Trước áp lực của dư luận trước “công và tội” của Sơn, Bộ GDĐT đành chấp nhận rơi vào thế “việt vị” - công nhận kết quả tốt nghiệp cho Đỗ Ngọc Sơn. Và ngay năm học sau, bộ sửa quy chế, chấp nhận cho thí sinh mang thiết bị ghi hình vào phòng thi để “góp sức” chống lại tệ nạn trầm kha trong thi cử.

Ai cũng biết rằng, dấn thân vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực là chấp nhận sự thiệt thòi, là đối mặt với nguy hiểm. Đặc biệt, theo Điều 9 Luật Tố cáo quy định: “Người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Chính vì vậy mà người đứng ra tố cáo tiêu cực buộc phải đi thu thập bằng chứng để làm chứng cứ cho việc tố cáo của mình là có cơ sở.

Chị Phan Thị Oanh. Ảnh: Hải Nguyễn

Thường người vi phạm, bị tố cáo lại là những người có chức vụ, địa vị, nên việc thu thập chứng cứ là vô cùng khó khăn với người tố cáo. Ông Lê Thiên Long - cán bộ Ban kiểm soát TCty Vật tư nông nghiệp - dũng cảm đứng đơn tố cáo Tổng GĐ Trần Văn Khánh. Ông từ chối ngồi vào ghế giám đốc mà ông Khánh đưa ra để đánh đổi sự im lặng.

Đơn của ông gửi bộ chủ quản không được giải quyết, lại còn bị liệt vào tội vu cáo, nói xấu lãnh đạo. Ông không được bố trí việc làm, nhưng vẫn không nản ý chí đấu tranh vì “tiền của Nhà nước phải trả lại cho Nhà nước, vì đó là tiền của”. Để chắc ăn nhất cho việc đơn tố cáo gửi được đến nơi nhận, ông đã lựa chọn cách gửi phát nhanh, đến nỗi nhân viên bưu điện quen mặt. Chỉ đến khi ông Khánh bị bắt, lúc đó ông Long mới được thoát tội “vu cáo lãnh đạo”, phá rối nội bộ.

Bà Phạm Thị Hồng Hoa - nguyên kế toán trưởng TCty Mía đường II - vì đấu tranh chống tiêu cực với lãnh đạo TCty đã phải trả giá rất lớn. Ba năm dấn thân đấu tranh thì hai năm ở trong tình trạng bị đình chỉ công tác, đẩy vào diện dôi dư, không lương.  Ông Lê Thiên Long, bà Hồng Hoa chỉ là 2 trong 10 gương mặt điển hình trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, được biểu dương tại buổi gặp mặt những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng và TP.Hà Nội tổ chức trung tuần tháng 5.2009.

Phần thưởng cho mỗi cá nhân này là bó hoa và bộ ấm chén. Năm 2011, Nghệ An tôn vinh 18 cá nhân dũng cảm chống tham nhũng và một trong 18 người được tôn vinh đó bị kẻ xấu đặt mìn tại nhà. Ông Lê Văn Đồng - đảng viên ở xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) - nhiều năm đứng đơn tố cáo sai phạm chủ tịch xã, bị đảng viên Phạm Khắc Tuấn dẫn đầu gần chục người có hung khí đến tận nhà truy sát. Sau khi Lao Động đăng bài, Huyện ủy Khoái Châu chỉ đạo Đảng ủy xã Đông Ninh kiểm điểm, xử lý. Suốt ba tháng qua vẫn không thể ra được kết luận, dù sự việc đã rõ mười mươi.

Không màng đến... lời khen

Mặc dù Luật Tố cáo quy định người tố cáo được giữ bí mật về thông tin cá nhân, được bảo vệ, tuy nhiên trong thực tế thì người tố cáo đã bị lộ danh tính, và chưa được pháp luật bảo vệ đúng nghĩa.

Dư luận cho rằng, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực là “sự nghiệp” của toàn dân, nhiều biện pháp đưa ra nhưng sẽ không thành công nếu không có người phát hiện và tố cáo, không khác gì xây nhà từ nóc xuống.

Hãy đừng để người chống tham nhũng, tiêu cực phải lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến này. Họ là những chiến sĩ thời bình trên mặt trận chống tiêu cực. Hành động dũng cảm của họ phải được xã hội vinh danh. Thế nhưng, sự vinh danh với những người anh hùng thầm lặng này thật quá hiếm hoi.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết TƯ 3 khóa X, Luật Phòng, chống tham nhũng, vào ngày 7.9.2010, lần đầu tiên Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc, vinh danh 88 cá nhân tiêu biểu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Những buổi lễ vinh danh người chống tiêu cực, tham nhũng cần phải được tổ chức tại các địa phương để nhân rộng các điển hình, có tác động đến tầng lớp nhân dân. Như vậy, cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng mới thực sự là cuộc đấu tranh của toàn dân, mới đẩy lùi được vấn đề nhức nhối này.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo