Bất động sản

Chủ đầu tư nợ thuế, người mua nhà hoang mang

(DNVN) - Vừa qua, cơ quan thuế đã công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trong đó có nhiều dự án nằm trong danh sách "đen", thông tin này đã khiến nhiều khách hàng không khỏi giật mình vì đã trót bỏ tiền ra mua nhà.

Khách hàng hoang mang vì chủ đầu tư nợ thuế

Vừa qua, Cục thuế Hà Nội đã công bố danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền thuế và hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách nợ đọng thuế mà Cục này vừa bêu tên đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Theo đó, tổng cộng cả 3 lần công bố thì số doanh nghiệp nợ thuế lên tới 169 doanh nghiệp, trong đó đợt I là 23 doanh nghiệp, đợt II là 50 doanh nghiệp và đợt 3 là 96 doanh nghiệp. Cũng trong 3 lần công khai danh sách nợ thuế, Cục thuế Hà Nội cũng công khai luôn 38 (15 dự án đã trả) dự án nợ tiền sử dụng đất.

Chủ đầu tư KĐTM Phú Lương (Hà Đông) là Công ty CP Đầu tư Trung Việt nằm trong danh sách
Chủ đầu tư KĐTM Phú Lương (Hà Đông) là Công ty CP Đầu tư Trung Việt nằm trong danh sách "đen" của Cục thuế Hà Nội.

Còn tại TP.HCM, Cục thuế cũng đã công bố danh sách 21 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới gần 298 tỷ đồng. Trong danh sách này có tới 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, xây dựng, còn lại là sản xuất, thương mại và liên doanh.

Nhận biết được thông tin này, nhiều người dân tỏ ra giật mình, không ít người còn hoang mạng không biết số tiền mình bỏ ra mua nhà có mất trắng không. Anh Trần Văn Hòa (Phú La, Hà Nội) cho biết vợ chồng anh đang tham khảo căn hộ ở khu đô thị Phú Lương, các phường Phú La, Phú Lương, Kiến Hưng (Hà Đông).

"Vợ chồng tôi đang có ý định chọn mua một căn hộ gần chỗ làm để tiện đi lại, nhiều lần bàn bạc tôi thấy mua nhà ở dự án khu ĐTM Phú Lương này là hợp lý nhất. Theo tìm hiểu thì, dự án này giá thành cũng phù hợp với gia đình. Tuy nhiên, vừa rồi đọc đài báo thấy mọi người đồn ầm lên chủ đầu tư của dự án này đang nằm trong danh sách nợ tiền sử dụng đất nên đã tạm hoãn quyết định", anh Hòa tâm sự.

Anh Hòa cũng cho biết thêm, hiện tại vợ chồng anh đang tìm đến các dự án khác hoặc chờ đợi thêm thông tin xem chủ đầu tư có nộp thuế không thì mới mua. "Nếu họ không nộp thuế thì người mua nhà như chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục cấp sổ đó", anh này cho biết thêm.

Tương tự, anh Nguyễn Tùng Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang rất hoang mang khi biết được thông tin mà chủ đầu tư dự án mình đã bỏ hết vốn liếng trong gia đình để mua nhà. 

 

Theo anh Sơn, gia đình anh hiện đã mua một căn hộ ở quận Nam Từ Liêm nhưng vừa mới biết thông tin dự án nơi anh mua nhà vừa có tên trong danh sách các doanh nghiệp chưa nộp thuế mà cơ quan thuế vừa công bố.

"Thấy cứ thuê phòng mãi tốn tiền, mỗi tháng ít nhất cũng mất gần 3 triệu đồng tiền thuê nhà nên vợ chồng tôi đã quyết định dồn hết tiền và vay mượn một vài người để mua nhà để vừa tiết kiệm vừa không phải lo nhiều thứ linh tinh khác. Lúc ký hợp đồng mua nhà tôi chỉ nghĩ đến việc bao giờ có sổ hồng và mình bỏ tiền ra mua thì mình đường hoàng được ở tại căn hộ mình mua. Tuy nhiên, mới đây vừa biết thông tin chủ đầu tư dự án nơi mình mua nhà nợ thuế không biết số tiền của tôi bỏ ra đầu tư vào đấy sẽ như thế nào, lấy lại thì không được, ngồi chờ thì không biết có nhà cho mình ở không", anh Sơn hoang mang.

Anh Sơn cũng cho rằng các cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn với các doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất để người dân bớt lo lắng. Bởi theo anh, những người dân làm sao biết được chủ đầu tư nợ thuế để mà tránh, những doanh nghiệp không nộp thuế thì nhất định không cấp hóa đơn để bán nhà, có như vậy thì người dân mới không bị rơi vào cái bẫy của chủ đầu tư như vậy.

Người dân dễ gặp họa khi mùa nhà của chủ đầu tư còn nợ thuế

 Liên quan đến việc các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất. Trả lời báo chí, ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân không nên mua nhà của doanh nghiệp nợ thuế.

 

Bởi, theo ông nhận định của ông Dũng, khi chủ dự án nợ tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà. Chính vì thế, khi doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất thì sau này người mua nhà sẽ rất khó khăn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.

Khi chủ đầu tư nợ thuế, người mua nhà sẽ gặp khó khăn trong việc làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất.
Khi chủ đầu tư nợ thuế, người mua nhà sẽ gặp khó khăn trong việc làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất.

Quy định tại Điều 42, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ nêu rất rõ, khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai bao gồm: Thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai. Khi cấp phép xây dựng, sở Xây dựng sẽ nhắc nhở chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất trước khi hết thời gian gia hạn. 

Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chủ đầu tư không được chuyển nhượng công trình, cũng như không được chuyển nhượng, bán căn hộ. Vì vậy, nhiều người mua nhà do thiếu kinh nghiệm, khi thấy công trình được triển khai thì nghĩ rằng chủ đầu tư đã thực hiện mọi nghĩa vụ với Nhà nước, dẫn đến nhiều trường hợp mãi không có sổ đỏ vì chủ đầu tư nợ thuế. Và khi rủi ro xảy ra, người dân sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả. 

Trên cơ sở đó, Dũng khuyến cáo người dân trước khi mua nhà ở bất cứ dự án nào, người dân cần phải tìm hiểu thật kỹ càng, ngoài những yếu tố cơ bản của dự án còn cần phải hiểu rõ chủ đầu tư dự án là ai, xem doanh nghiệp có nợ thuế không và thận trọng hơn trong những giao dịch mua nhà để tránh gặp họa về sau.

 

Sẽ cưỡng chế doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền sử dụng đất

 Đó là khẳng định của Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục thuế Hà Nội) liên quan tới những thông tin ảnh hưởng tới những nhà đầu tư mua nhà tại những dự án mà chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất (SDĐ).

Bà Yến cho biết, theo quy định về thu tiền SDĐ và quy định của pháp luật quản lý thuế, việc chậm nộp tiền SDĐ của các chủ đầu tư dự án sẽ bị cơ quan thuế xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp phải nộp NSNN với mức 0,05%/ngày tính trên số tiền SDĐ chậm nộp và số ngày chậm nộp. 

Đồng thời, nếu các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không nộp tiền sử dụng đất thì cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền SDĐ nợ vào NSNN theo quy định. 

Cũng theo bà Yến, việc chủ đầu tư dự án nợ tiền SDĐ thể hiện việc chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật của chủ đầu tư và là dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư có những khó khăn, vướng mắc về tài chính để thực hiện dự án… 

 

"Thông qua việc công khai thông tin về tình hình nợ tiền SDĐ, người mua nhà sẽ có thêm một kênh thông tin để lựa chọn, quyết định khi tiến hành giao dich nhằm hạn chế rủi ro khi mua nhà từ các chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, có hạn chế về năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án", bà Yến khẳng định.

Cục thuế TP. Hà Nội cho biết, sau khi đơn vị này thực hiện 3 đợt công khai với tổng số 38 dự án nợ tiền sử dụng đất, các chủ dự án đã có công văn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế trao đổi và cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất. Tính đến ngày 15/7/2015, đã có 15/38 dự án nộp nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền 219,377 tỷ đồng. 

Trong đó, 3 dự án đã nộp hết số nợ  tiền sử dụng đất là: Công trình hỗn hợp nhà ở, VP và TTTM tại 265 Cầu Giấy (thuộc Công ty cổ phần hóa chất & vật tư KHKT) nộp 93,208 tỷ đồng; dự án TTTM, VP và nhà ở (thuộc Công ty TNHH một thành viên đầu tư Việt Hà, Công ty XD và KT Việt Nam) nộp 20 tỷ đồng; dự án Nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Tháp) nộp 5,159 tỷ.

Và 1 dự án đã nộp 83,18% số nợ tiền sử dụng đất là dự án đầu tư tòa nhà hỗn hợp đa năng và nhà ở chung cư Vinafor tại số 55, đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông - thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên nộp 5 tỷ đồng.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo