Chủ doanh nghiệp gồng mình thưởng Tết
Doanh nghiệp “đong đếm” thưởng Tết
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, tình hình kinh tế khó khăn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.000 lao động bị mất việc do công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Số lượng công nhân nhảy việc cũng khá cao, với khoảng 40.000 lao động. Riêng số công nhân bỏ việc hoàn toàn chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, khoảng 100 – 150 người, rơi vào những trường hợp công nhân nữ có con nhỏ hoặc những công nhân đã có chút vốn liếng nên về quê làm ăn.
Do khó khăn chồng chất nên một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không trụ được đã hoàn tất thủ tục trả giấy phép và “rút quân” về nước đến 4 doanh nghiệp. Đặc biệt, thêm 22 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do không triển khai kinh doanh, trong đó có 5 doanh nghiệp FDI và 17 doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, còn có 22 dự án bị giải thể do không đủ điều kiện hoạt động.
Song, nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết dù bị “hụt hơi” nhưng vẫn sẽ chăm lo cho đời sống công nhân trong những ngày cuối năm để giữ chân lao động. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, công ty đang nước rút hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 với nhịp độ khẩn trương. Dự báo tình hình sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí sản xuất leo thang gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty vẫn sẽ chăm lo cho đời sống công nhân, đặc biệt là những ngày cuối năm 2012 và chuẩn bị đón năm mới 2013, bằng việc thưởng 2,5 tháng lương cho người lao động. Trong đó, mỗi tháng lương của công nhân lên đến 5 triệu đồng nên người lao động có thể an tâm về quê ăn Tết.
Ông Định cho hay: “Người lao động có thể yên tâm vì không như mọi năm, năm nay dù doanh nghiệp nào khó khăn đến mấy cũng phải bắt buộc có lương tháng 13 cho công nhân. Bởi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã quy định và siết chặt việc này trong thỏa ước lao động tập thể mà doanh nghiệp ký với người lao động”.
Ông Định cho biết thêm, đó là chưa kể, sẽ có nhiều doanh nghiệp ngoài thưởng lương tháng 13 ở mức tối thiểu là 2,2 triệu đồng, còn thưởng thêm các khoản phụ cấp cho công nhân. Ngành nằm trong top thưởng Tết cao nhất là điện tử, với mức 5 triệu đồng, tiếp đến là ngành cơ khí ở mức 3,5 triệu đồng và da giày cộng may mặc là 3,4 triệu đồng, chế biến thực phẩm là thấp nhất với 2,4 triệu đồng. Ông Định cũng lưu ý, đó là mức lương cơ bản hiện tại của các ngành, chứ chưa kể đến các doanh nghiệp thưởng một hay hai tháng lương, như Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3.
Thấp thỏm giá
Theo Hepza, hiện đã có 150 doanh nghiệp thông báo thưởng Tết cho công nhân, hầu hết là những doanh nghiệp Việt Nam. Còn những doanh nghiệp FDI cho đến nay vẫn chưa có thông báo gì tới Ban quản lý, bởi thông thường, các doanh nghiệp này lãnh đạo còn phải họp và thông qua rồi mới có thể báo cáo lại được. Song, đến đầu tuần sau, tất cả các doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất – khu công nghiệp sẽ phải đồng loạt công bố mức thưởng Tết để công nhân an tâm. Đồng thời, Hepza cũng kêu gọi công nhân chia sẻ khó khăn với các công ty.
Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, với mức thưởng tối đa một tháng lương cơ bản là có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp còn thưởng thêm cho công nhân các phần quà Tết như bia, bánh mứt Tết. Có công ty còn đang đặt áo khoác ở bên ngoài để tặng công nhân ngày Tết, liên hoan xổ số trúng thưởng tivi, tủ lạnh… Riêng những ngày cuối năm do đơn hàng quá gấp nên người lao động sẽ phải tăng ca nhưng sẽ được trợ cấp thêm 100.000 đồng/ngày. Đối với những doanh nghiệp phải liên tục vận hành máy móc như cơ khí, khi công nhân tình nguyện ở lại làm việc trong những ngày Tết, lương sẽ được trả cao gấp 3 lần. Thời gian nghỉ Tết sẽ từ 8 – 10 ngày, thậm chí có nơi cho phép cộng ngày nghỉ phép trong năm với ngày nghỉ Tết cùng một đợt để công nhân có thời gian thoải mái về quê ăn Tết.
Điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay không phải vấn đề thưởng Tết mà là giá cả có tăng đột biến trong dịp này hay không. Lãnh đạo một công ty dệt may than thở: “Chính sách chăm lo lao động luôn được để ý tới nhưng đời sống công nhân vẫn chưa được cải thiện, bởi đồng tiền đang rớt giá khá nhanh. Dù mức thưởng Tết cho công nhân cao nhưng giá cả không được kiểm soát thì không chỉ khiến công nhân méo mặt mà còn khiến doanh nghiệp vắt chân lên cổ để đuổi theo giá”.
Thảo Nguyên (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?