Chủ động chống kiện phá giá
Mỹ hiện đang theo đuổi ba vụ kiện chống trợ cấp lẫn bán phá giá đối với Việt Nam ở các sản phẩm tuôcbin điện gió, mắc áo và ống thép cacbon với cáo buộc các doanh nghiệp xuất khẩu có nhận được sự trợ cấp từ Chính phủ trong nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Ngô Quang Thụy (Công ty luật NT TradeLaw) - người đang trực tiếp tham gia tư vấn cho vụ kiện ống thép xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ cấp vào thị trường Mỹ - cho biết:
- Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ đã chính thức cáo buộc các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Ấn Độ, Oman, UAE và Việt Nam có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của Mỹ do được trợ cấp và bán tại Mỹ dưới giá thành sản xuất (tức bán phá giá). Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã xác định hai doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra. Hiện các doanh nghiệp đã nhận được bản câu hỏi điều tra của DOC và sẽ nộp bản trả lời vào đầu tháng 2/2012.
* Bên khởi kiện dựa vào các tiêu chí nào để cáo buộc sản phẩm ống thép của Việt Nam bán phá giá, đặc biệt là có sự “trợ cấp”của Chính phủ, thưa ông?
- Trong vụ kiện túi PE năm 2009, các doanh nghiệp xuất khẩu đã bị cáo buộc có nhận được sự trợ cấp của Chính phủ. Điều này cũng bị lặp lại trong vụ kiện ống thép. Phía nguyên đơn cho là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã nhận được các trợ cấp như cho vay ưu đãi đối với các nhà xuất khẩu, cho vay ưu đãi đối với ngành thép, miễn/giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp xuất khẩu...
Do mức thuế chống trợ cấp mà phía Mỹ áp cho Việt Nam trong vụ kiện túi PE khá thấp, nên có khả năng mức thuế này đối với ống thép cũng tương tự. Nhưng cũng nên phòng ngừa khả năng nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất của Việt Nam nhận được lợi ích không lành mạnh từ thép cuộn giá rẻ (nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép) mua từ các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, các nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - hiện là bị đơn bắt buộc trong vụ kiện nói trên - đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ít có cơ hội mua thép nguyên liệu từ các doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng không được vay ưu đãi nên cáo buộc này cũng không có cơ sở.
* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc khởi kiện “chống trợ cấp” đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày một nhiều hơn trước từ các nước?
Luật sư Ngô Quang Thụy - Ảnh: T.V.NGHI |
- Nguyên nhân được xác định khá rõ ràng là có sự di chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam nhằm tránh mức thuế suất chống bán phá giá cao đã bị áp dụng ở nước của họ. Do đó, các nhà sản xuất tại Mỹ tiếp tục kiện các hàng hóa này xuất khẩu từ Việt Nam để ngăn chặn việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng đó vào thị trường Mỹ.
Mặt khác, khi khởi kiện chống bán phá giá, các nguyên đơn có xu hướng khởi kiện luôn chống trợ cấp vì họ có thể “tận dụng” các cáo buộc liên quan đến trợ cấp từng được điều tra trước đây, mà vụ túi PE của Việt Nam là một điển hình. Một nguyên nhân nữa có thể là do nhận thấy sự tham gia thiếu tích cực, hời hợt của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tự bảo vệ mình ở các vụ kiện trước, khiến các nhà sản xuất của Mỹ cho rằng họ có thể dễ dàng thắng được trong một vụ kiện tương tự.
* Phải chăng việc Việt Nam chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường đang bị nhiều nước “khai thác” để hạn chế hàng nhập từ Việt Nam, thông qua các chính sách và rào cản thương mại do họ dựng lên?
"Cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng phải tham gia tích cực và quyết liệt hơn để bảo vệ các DN xuất khẩu, như hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia vụ kiện, thể hiện quan điểm quyết tâm theo đuổi vụ kiện và đưa ra các ý kiến phản bác các cáo buộc của bên khởi kiện một cách kịp thời" Luật sư Ngô Quang Thụy |
- Đúng vậy. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu mà các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam thường bị thiệt thòi trong một vụ khiếu kiện chống bán phá giá do phương pháp điều tra áp dụng cho một nước bị coi là có nền kinh tế phi thị trường hoàn toàn khác với nước có nền kinh tế thị trường.
Ví dụ, giá thành thật sự của một sản phẩm cụ thể do một doanh nghiệp sản xuất ra ở Việt Nam là 8 USD, nhưng DOC có thể quyết định giá thành này là 12 USD. Vì sao vậy? Vì họ thông qua nước thứ ba có mức độ phát triển kinh tế tương đồng như Việt Nam, có sản xuất mặt hàng tương tự như mặt hàng của Việt Nam để tính ra giá thành. Trong khi Thái Lan, một nước được coi là có nền kinh tế thị trường, sẽ được DOC công nhận ngay, thay vì sử dụng phương pháp điều tra áp giá trị thay thế của nước thứ ba như đối với Việt Nam.
* Như vậy, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế nguy cơ rơi vào tầm ngắm của các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp như các vụ tương tự vừa qua, thưa ông?
- Tôi cho rằng cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng phải tham gia tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia vụ kiện, lập ra một đội ngũ kỹ thuật riêng có toàn quyền ứng phó nhanh chóng với các vụ kiện, thể hiện quan điểm quyết tâm theo đuổi vụ kiện và đưa ra các ý kiến phản bác các cáo buộc của các luật sư nguyên đơn trước DOC một cách kịp thời.
Đối với cơ chế cảnh báo việc khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tôi cho rằng rất khó có hiệu quả nếu không tiên liệu được một cách có hệ thống. Doanh nghiệp cần đánh giá được mặt hàng mình sản xuất có tác động đến ngành hàng sản xuất của Mỹ, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ra mặt hàng tương tự đó tại Mỹ hay không, hoặc phía Mỹ có khả năng bị thiệt hại do các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang hay không.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn sang các nước lân cận, ví dụ như Trung Quốc, để xem các mặt hàng nào họ đã bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, và liệu các doanh nghiệp Trung Quốc đó có chuyển nhà máy sang Việt Nam để sản xuất cùng các mặt hàng đó để xuất sang nước khác hay không. Nếu có thì phải đánh giá được nguy cơ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng đó xuất đi từ Việt Nam là có khả năng xảy ra hay không. Phải tự chủ động phòng ngừa thì may ra mới tránh được.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)