Pháp luật

Chữ ký cao hơn con dấu

Chữ ký cũng như là vân tay của người đó. Còn con dấu anh phải thông qua một người khác đóng vào. Vì thế tính pháp lý của chữ ký cao hơn con dấu.

Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh “chuyện con dấu”.

Làm dấu giả dễ hơn chữ ký giả

Phóng viên: Xuất phát từ đâu mà Việt Nam lại sử dụng con dấu đậm đặc như vậy, thưa ông?

+ Ông Diệp Văn Sơn: Tôi không nhớ rõ từ bao giờ Việt Nam sử dụng con dấu nhưng từ khi bắt đầu có giao dịch giữa Nhà nước và công dân thì có con dấu xuất hiện. Việt Nam rất chuộng con dấu, bái vật con dấu. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua chuyện giẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn đền Trần ở Nam Định diễn ra trong những năm qua.

Lý do dễ hiểu nhất dẫn đến chuyện này là do con dấu gắn liền với quyền lực. Ai nắm được con dấu là nắm được quyền lực. Thời phong kiến, Vua ban ấn-kiếm, ấn là con dấu, anh nắm vương triều là nắm quyền lực. Quan niệm đó ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Thời trước, chức lý trưởng (chức xã trưởng - hương chức chấp hành, trung gian giữa làng và chính quyền. Giữ ấn (dấu) của làng, đảm nhiệm việc thu thuế - NV), ông đi đâu cũng lận con dấu trong túi quần của mình. Nhiều khi lý trưởng không biết chữ nhưng anh ấn con dấu vô như là chứng tỏ quyền lực, quyền uy của mình.

Thời gian đầu xây dựng chính quyền mới cũng thế, cán bộ địa phương chữ nghĩa cũng ít cho nên luôn luôn cầm con dấu để chứng tỏ mình là người đứng đầu chính quyền. Cái quan niệm quyền lực đó kéo dài mãi về sau này.

Như vậy việc sử dụng con dấu để biểu thị quyền lực dường như đã trở thành một “truyền thống” trong sự vận hành quyền lực ở nước ta. Nguyên lý của sự vận hành quyền lực là luôn có xu hướng lạm dụng nếu không được kiểm soát tốt. Theo quan sát của ông thì đã xảy ra những hệ lụy từ việc lạm dụng con dấu?

+ Nhiều năm trước, Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) cùng với Cục Quản lý hành chính (Bộ Công an) kết hợp đi kiểm tra việc sử dụng con dấu của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan, đơn vị… để xem độ sắc nét của dấu, độ to nhỏ, kích thước có đúng quy định hay không, quy trình bảo vệ và sử dụng, việc lạm dụng con dấu… Nói chung quá trình kiểm tra qua nhiều công đoạn rất phiền phức. Khi đến một địa phương có một chuyện khiến mọi người trong đoàn kiểm tra giật mình: Địa phương này vẫn còn sử dụng con dấu khắc chữ VNDCCH để đóng lưu hành các văn bản.

Có thể nói việc lạm dụng con dấu đưa đến nhiều hệ lụy mà mức độ nguy hiểm chúng ta không lường trước được. Như câu chuyện tranh nhau con dấu ở một trường ĐH V diễn ra gần đây: Ông hiệu trưởng quyết không trả con dấu, chính quyền TP không làm gì được mà không thể hủy được con dấu đó. Vì muốn hủy anh phải thu hồi rồi mới được hủy. Sau đó mới ban hành một con dấu khác. Sự việc khiến cho hàng ngàn sinh viên kẹt thi, kẹt bằng cấp.

Hay như câu chuyện trước đây ông Nguyễn Tấn Mẫn còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT. Ông được thay Bộ ký những công trình từ Đà Nẵng trở vào Cà Mau. Nếu ông ký mà không có dấu quốc huy thì lại không có giá trị. Ông Mẫn ký xong fax ra Hà Nội rồi mới đóng dấu quốc huy để phát hành gây ra sự chậm trễ dữ lắm.

Mặt khác, hiện nay làm con dấu giả dễ hơn chữ ký. Con dấu giả đang tồn tại nhiều và gây ra những hậu quả hết sức nguy hại như bằng cấp giả đi theo con dấu giả, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cũng làm được con dấu giả hay khi doanh nghiệp đi vay tiền cũng làm dấu giả…

Cần hạn chế dần con dấu

Mới đây nhiều ý kiến cho rằng nên có lộ trình tiến tới hạn chế rồi bỏ hẳn con dấu trong các giao dịch. Ông nghĩ gì về kiến nghị đó?

+ Đây là một kiến nghị hợp với xu thế của thời đại. Nếu Nhà nước chấp nhận kiến nghị này là một sự dũng cảm.

Tôi nhớ hồi xưa, Bộ Tài chính phát hành hóa đơn, anh phải đến lấy hóa đơn, bây giờ người ta cho anh in hóa đơn, đó là cả một sự thay đổi rất lớn. Từ chỗ có những loại giấy tờ hàng chục con dấu đỏ chi chít, bây giờ không có dấu nữa thì đó là một bước tiến lớn. Nhưng cần có lộ trình phù hợp.

Việt Nam muốn hòa nhập, một trong những điều phải làm là hạn chế dần, rồi tiến tới bỏ con dấu.

 Với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính như hiện nay, việc hạn chế con dấu nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

+ Để tiến tới giảm dần con dấu, Nhà nước phải làm gương đi đầu. Chẳng hạn Nhà nước cũng phải chấp nhận chuyện làm ăn của người dân với nhau, ví dụ như người dân mua cái xe máy với nhau bằng hợp đồng giấy viết tay là người dân tự làm tin với nhau. Một xã hội văn minh thì lòng tin còn cao hơn nhiều thứ khác.

Xu hướng bây giờ người ta không dùng con dấu nữa mà bằng chữ ký. Các nước qua đây cũng không mang theo con dấu mà ký kết hợp tác bằng chữ ký. Lúc đầu Việt Nam mình rất ngần ngại tính pháp lý của chữ ký, tự đặt câu hỏi: Chữ ký mà không có dấu người ta chạy mất thì sao. Mà mình chưa nhận thức được tính pháp lý chữ ký của các nước rất cao với các điều kiện đảm bảo được quy định chặt chẽ. Khi đặt bút ký, người ta chịu trách nhiệm cá nhân, chữ ký chỉ duy nhất một người. Anh có thể giả chữ ký nhưng khi giám định hình sự người ta sẽ biết chữ ký đó là của ai. Chữ ký cũng như là vân tay của người đó. Còn con dấu anh phải thông qua một người khác đóng vào. Vì thế tính pháp lý của chữ ký cao hơn con dấu.

Vì vậy chúng ta cần giảm bớt con dấu đi. Trong thời đại công nghệ thông tin nếu mình cứ giữ khư khư con dấu thì không được.

Thiết nghĩ tiến đến hội nhập, tiến đến chính phủ điện tử, công nghệ thông tin sẽ xóa dần con dấu và chúng ta sẽ phải dần thực hiện theo thông lệ của quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Theo PL TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo