Chủ nhà nghỉ gắn camera quay lén cán bộ nói gì?
Liên quan đến vụ vợ chồng ông Triệu Đức Nhật (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bí mật gắn camera quay lén khách rồi dùng clip này tố cáo một cán bộ tòa án huyện mua dâm, nhiều chuyên gia pháp luật đã phân tích hành vi quay lén này đã vi phạm bí mật đời tư cá nhân và quyền về hình ảnh của người khác theo Điều 38 và Điều 31 BLDS. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nhật để làm rõ động cơ quay lén.
Chỉ lắp camera ở phòng cán bộ hay lui tới
. Phóng viên: Mấy ngày nay dư luận xôn xao trước việc ông dùng clip quay lén ở nhà nghỉ của mình tố cáo một cán bộ tòa án huyện mua dâm, ông lắp đặt hệ thống camera theo dõi từ khi nào?
+ Ông Nhật: Vợ chồng tôi kinh doanh mở nhà nghỉ kèm quán karaoke từ năm 2000. Do nhà nghỉ có nhiều thiết bị liên tục bị mất trộm, từ năm 2004, tôi lắp đặt camera theo dõi dọc các hành lang, sân thượng của nhà nghỉ với mục đích để chống trộm.
. Vậy vì sao lắp camera chống trộm mà lại quay được cảnh khách mua dâm?
+ Thật ra, vào năm 2006 tôi đã bắt được một vụ trộm cắp tại nhà nghỉ do camera ghi hình lại. Tôi đã báo sự việc lên công an huyện và họ xuống điều tra, được tôi cho biết việc lắp đặt camera để theo dõi. Sau đó, khoảng năm 2008 đến năm 2011, quán karaoke và nhà nghỉ của vợ chồng tôi có nhiều cán bộ của huyện đến chơi, trong đó có nhiều cán bộ ngành công an. Một cán bộ khác trong ngành công an cảnh báo chúng tôi phải cẩn thận, bởi công an đến chơi có thể cài thiết bị để bắt. Từ đó, vợ tôi đã bí mật lắp đặt một camera tại phòng nghỉ số 1, tầng hai vì phòng này rất sạch sẽ, thường dùng để cho các cán bộ huyện lui tới vui chơi. Sau đó thì vợ tôi đã quay lại được clip về cảnh mua dâm của ông B. (cán bộ tòa án) và nhiều cán bộ công an của huyện.
Khẳng định người trong clip là ông B.
. Sao ông lại khẳng định đó là ông B. cán bộ tòa án và các cán bộ công an huyện?
+ Là người dân trong huyện, nhiều lần tiếp xúc nên vợ chồng tôi biết mặt các cán bộ này. Với lại, họ cũng thường xuyên đến chỗ nhà nghỉ vợ tôi quản lý nên gặp là nhận ra.
. Sau khi quay, vợ chồng ông đã cho ai xem các clip này chưa? Và dùng clip này vào mục đích gì?
+ Thường sau khi camera quay lại hình ảnh, vợ chồng tôi kiểm tra xem ngày hôm đó nhà nghỉ có mất mát gì hay không rồi xóa đi. Riêng camera đặt bí mật trong phòng nghỉ số 1 do vợ tôi quay nên tôi cũng không biết. Mới đây, trong quá trình thụ án trong tù, vợ tôi nhớ ra có quay lại được clip của các cán bộ mua dâm và nói cho tôi biết. Từ đó tôi dọn nhà và tìm ra được băng ghi cảnh mua dâm của các cán bộ này. Nhưng khi vợ tôi bị bắt vì chứa mại dâm, tôi đã tốn 200 triệu đồng tiền “chạy án”, nhờ người đưa cho nhiều cán bộ tòa án, VKS, công an để xin giảm nhẹ tội cho vợ và hai gái bán dâm. Thông qua một số người, tôi đã nhờ đưa tiền cho ông B. nhưng sau đó vợ tôi vẫn bị xử phạt năm năm sáu tháng tù. Tôi nhiều lần đến đòi tiền những người mà tôi nhờ “chạy án” nhưng họ không trả. Mới đây, trong quá trình thụ án, vợ tôi nhớ ra có băng quay cảnh mua dâm này nên bảo tôi về tìm, làm bằng chứng đòi lại tiền.
Vợ chồng tôi chưa hề cho người ngoài xem clip quay được về các cán bộ.
Tố để đòi tiền “chạy án”
. Ông có gọi điện thoại cho ai trong số những người bị quay clip nhạy cảm này để uy hiếp, đòi lại tiền đã “chạy án” không?
+ Tôi chưa hề gọi điện thoại cho ai để uy hiếp, đòi tiền. Những người bị vợ tôi quay clip cũng chưa thấy ai gọi điện thoại với tôi cả.
. Ông có biết việc lắp đặt camera trong phòng nghỉ, quay lại những cảnh riêng tư cá nhân là vi phạm pháp luật không?
+ Như tôi đã nói, mục đích của vợ chồng tôi lắp camera là để chống trộm, quản lý tài sản. Việc bí mật quay clip các cán bộ mua dâm là do vợ tôi làm, tôi chỉ mới được biết gần đây. Vợ chồng tôi cũng không dùng clip đó để gây ảnh hưởng, đe dọa những người trong clip. Vợ tôi có tội thì pháp luật đã trừng trị, hiện cũng đã sắp hết hạn tù. Còn việc những cán bộ ăn chơi, họ đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức đảng viên, tôi tố cáo họ chỉ là muốn làm trong sạch đội ngũ và để đòi lại số tiền đã mất chứ không có mục đích gì khác.
. Xin cám ơn ông.
Chứng cứ bị niêm phong gần ba năm
Liên quan đến việc tố cáo cán bộ tòa án mua dâm bị quay clip, ông Triệu Đức Nhật cũng đã có đơn tố cáo các cơ quan tố tụng vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.
Theo đơn của ông Nhật, tháng 10-2011, vợ ông là Phạm Thị Lán bị bắt vì chứa mại dâm. Ông đã nhờ bà Nguyễn Thị Hằng “chạy án” cho vợ nhưng vợ ông vẫn bị phạt tù.
Sau đó bà Hằng bị bắt, bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thấy bị mất tiền mà vợ vẫn bị án tù và cho rằng cơ quan chức năng khởi tố bà Hằng tội trên là chưa đúng người, đúng tội nên ngày 6-12-2012, ông Nhật đã tập hợp hồ sơ, chứng cứ gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu điều tra làm rõ về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Toàn bộ tài liệu, chứng cứ được lập biên bản niêm phong và một bản được đưa vào hồ sơ vụ án Nguyễn Thị Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 17-3, người đại diện theo ủy quyền của ông Nhật phát hiện hồ sơ chứng cứ vụ án do ông Nhật cung cấp vẫn được niêm phong nên đã yêu cầu mở hồ sơ chứng cứ ngay tại tòa. Một ngày sau đó (ngày 18-3), TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm hình sự đối với bị cáo Hằng mà TAND huyện Ea Kar đã xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trước đó vì có chứng cứ mới.
Như vậy, từ ngày ông Nhật bàn giao chứng cứ cho cơ quan điều tra (tháng 12-2012), đến khi mở niêm phong tại phiên tòa phúc thẩm (ngày 17-3), chứng cứ quan trọng này đã bị “lãng quên” gần ba năm.
Ông B. phủ nhận mình là người trong clip
Liên quan đến đơn tố cáo của ông Triệu Đức Nhật gửi Thường trực Huyện ủy Ea Kar, ông Nguyễn Xuân Cự - Phó Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết trong bản tường trình ông B. không nhận mình là người trong clip. Sau khi nhận bản tường trình của ông B., Thường trực Huyện ủy đã chuyển đơn tố cáo của ông Nhật và bản tường trình của ông B. sang UBKT Huyện ủy để điều tra, xác minh theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo