Xã hội

Chủ sân golf Phan Thiết gây sốc:Ra giá đòi chuyển đổi đất

Chưa hết xôn xao khi vừa mua lại sân golf Phan Thiết đã xin chuyển làm khu đô thị thì tập đoàn Rạng Đông lại tiếp tục gây sốc.

 Bình Thuận chưa có ý kiến với đề xuất này

Năm 2011, Công ty cổ phần Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Rạng Đông) trúng đấu giá khu đất 4ha được UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch làm trung tâm thương mại với giá gần 130 tỉ đồng (3,25 triệu đồng/m2).

Tháng 4/2012, công ty tổ chức khởi công rầm rộ và loan báo sẽ xây dựng một khu trung tâm thương mại hiện đại, tổng kinh phí đầu tư lên đến 1.340 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ ngày khởi công đến nay công ty chỉ dựng một trụ quảng cáo ghi Rạng Đông Plaza. Theo năm tháng, khu đất mọc đầy cỏ dại, trở thành nơi quen thuộc của thú nuôi.

Gần tròn hai năm sau ngày khởi công, ngày 12/3/2014 công ty này gửi văn bản cho các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đề nghị hai phương án giải quyết đối với khu đất trên.

Theo đó, phương án một là trả lại dự án trung tâm thương mại Rạng Đông cho Nhà nước quản lý, tùy nghi sử dụng, với điều kiện Nhà nước giúp trả lại tiền sử dụng đất như đã trúng đấu giá, cộng với lãi suất của từng thời điểm mà công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền trên 181 tỉ đồng (trong đó tiền lãi trên 51 tỉ đồng).

Nơi con bò đứng theo thiết kế quy hoạch là trung tâm thương mại Rạng Đông Plaza. (Ảnh Tuổi Trẻ)

Nơi con bò đứng theo thiết kế quy hoạch là trung tâm thương mại Rạng Đông Plaza. (Ảnh Tuổi Trẻ)

Phương án hai, công ty xin chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị, hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất lâu dài, qua đó sẽ nộp cho ngân sách thêm 111 tỉ đồng.

Chia sẻ thông tin với Đất Việt về vấn đề này, ngày 4/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: "Đúng là Công ty Rạng Đông vừa có yêu cầu hai phương án như vậy với tỉnh Bình Thuận, nhưng đó không phải là mong muốn của công ty mà do tình hình khó khăn nên mới đề nghị với tỉnh xem xét".

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho hay: "Hiện nay UBND tỉnh cũng đã giao cho các Sở, Ban ngành để tham mưu, đề xuất, còn về phía tỉnh chưa có ý kiến gì về hai phương án này".

Tuy nhiên, theo ông Hùng dù thế nào thì quan điểm của tỉnh là đất đã giao cho công ty thì nên thực hiện xây dựng quy mô trung tâm thương mại đúng như tinh thần đã thống nhất lúc trúng thầu.

Nói rõ hơn cái khó mà công ty Rạng Đông trình bày với tỉnh, ông Hùng chỉ rõ: "Trước khi công ty Rạng Đông xây dựng trung tâm thương mại đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau, chủ yếu là của bà con ở Phan Thiết, nên tỉnh mới dừng lại thi công để kiểm tra, xác minh, làm rõ, quá trình đó mất gần 1 năm. Trong vòng 1 năm đó, thì ngay bên cạnh khu vực đó, đã xuất hiện trung tâm thương mại khác, được đưa vào hoạt động rồi đó là trung tâm Lotte".

Nhưng dù cho có khó khăn, thì ông Hùng cũng khẳng định, tỉnh vẫn chỉ đạo và nhất quán trên tinh thần cố gắng làm sao thực hiện theo đúng tinh thần tỉnh đã giao quyền sử dụng đất một lần và quy mô công trình đúng như hợp đồng đấu thầu.

Nhắc lại câu chuyện, Tập đoàn Rạng Đông xin chuyển đất sân golf thành đất ở đô thị, sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, với câu chuyện lần này, công ty cũng xin chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị, vậy hai lần đều là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với lần sân golf, Bình Thuận cũng đã có hướng chấp thuận đề nghị, so sánh hai lần, ông Hùng cho rằng: "Theo tôi hiểu, họ sẽ trả diện tích đất xây trung tâm thương mại lại cho tỉnh, tỉnh trả lại tiền thu đất của công ty. Không thể mang hai câu chuyện này đặt cạnh nhau vì đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau".

Chuyên gia bất động sản: Rạng Đông đang lợi dụng các ưu đãi

Nhìn nhận khách quan về sự việc này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết: "Tôi không nắm rõ hợp đồng giữa công ty Rạng Đông và tỉnh Bình Thuận ra sao. Nhưng việc kinh doanh nào cũng có rủi ro, rủi ro càng lớn thì lãi càng cao, do vậy đã làm kinh doanh thì phải xác định có lãi thì mình nhận, rủi ro thì chấp nhận, giống như kiểu "được thì làm vua, thua làm giặc", chứ không phải chuyện được làm vua, thua thì đòi vốn, chuyện đó không thể xảy ra".

Theo ông Đực, làm ăn không gặp thời, thua thì phải chịu, chuyển đổi mục đích như thế nào là do hợp đồng ban đầu giữa công ty và tỉnh, chứ nếu nói rằng thắng thì lấy tiền, thua thì trả lại nhà nước thì quá vô lý.

Giả dụ như khi đấu thầu anh bỏ ra 150 tỷ đồng, giờ lên 250 - 300 tỷ đồng là công ty lãi, nhưng nếu nó hạ xuống còn 100 tỷ đồng thì dĩ nhiên phải chịu, chứ không phải trả lại, rồi bắt trả cả vốn lẫn lãi cho mình. Cũng như anh đi mua 1 căn nhà, 1 khu đất của tư nhân giá 300 tỷ, giờ đầu tư sau 3 năm, không có lãi, anh đòi trả lại 300 tỷ cộng thêm tiền thuế đất thì làm sao nghe được.

Cho nên, ông Đực nhìn nhận: "Cu hướng thị trường đất đang xuống giá đóng băng, thậm chí rớt giá hơn 1 nửa, như vậy người đầu tư phải chịu, chứ sao đổ được cho người bán ban đầu kể cả là nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân".

Còn việc công ty Rạng Đông xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo ông Đực là vì lợi ích. Ngày xưa mỗi khu đất sẽ quy hoạch riêng, giả dụ khu đó là khu resort, khu biệt thự, khi nhà phố, công viên cây xanh...cho nên muốn đổi mục đích phải xem xét lại, chấp nhận được hay không, đánh giá thị trường đất ra sao?

Ông Đực khẳng định: "Việc đang xây dựng trung tâm thương mại mà chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất đô thị là sai. Như vậy, doanh nghiệp đầu tư được quá nhiều lợi thế của xã hội, tỉnh thì bị động hơn do yêu cầu của chủ đầu tư, như vậy là không công bằng".

Nếu cho chuyển đổi thì theo ông Đực, mức thu hồi sử dụng đất cũng khó định. Ngày trước định giá trung tâm thương mại có thể là 150 tỷ đồng nhưng bây giờ nếu chuyển sang đất ở thì nhiều lợi thế hơn, quan trọng nhất có phù hợp quy hoạch chung của tỉnh hay không.

Câu chuyện này được ông Đực đánh giá là chuyện bất thường xảy ra ở Việt Nam: "Doanh nghiệp đòi hỏi quá nhiều ưu đãi, chỉ có Việt Nam có nhiều chuyện bất thường như vậy. Tôi tin doanh nghiệp có thế mạnh gì đó khiến chính quyền cho thay đổi mục đích sử dụng. Vì dĩ nhiên nếu chuyển sang đất đô thị ở thì giá đắt hơn rất nhiều".

Nhắc chuyện công ty này cũng đã từng xin chuyển đất sân golf sang đất đô thị, ông Đực nhìn nhận, nếu là chuyển sang đất thương mại thì tăng lên một chút, nhưng đã qua đất ở thì tăng lên rất nhiều lần. Đó là cách chúng ta nhìn nhận đề xuất của công ty Rạng Đông, hai lần mà cùng chung một đề nghị.

 

Tập đoàn Rạng Đông: Xin chuyển sân golf xin thành đô thị


Sân golf Phan Thiết rộng gần 63 ha, do tỉ phú Mỹ Larry Hillblom xây dựng từ năm 1994. Trải qua nhiều chủ đầu tư khác nhau, đến cuối năm 2013 được Tập đoàn Rạng Đông (Bình Thuận) tiếp nhận.


Đầu năm 2014, do không hiệu quả trong kinh doanh, nên Rạng Đông xin chuyển mục đích sử dụng để xây dựng công viên và đô thị ven biển và đã được tập thể UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý sau đó.


Ngày 1/3, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông Nguyễn Văn Đông đã ký văn bản thông báo gửi các hội viên nêu rõ sẽ đóng cửa sân golf vào ngày 1/4 với lý do thay đổi “chiến lược kinh doanh”.


Trước đó, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho rằng: “Sân golf này không hiệu quả kinh tế, không thu được gì cho ngân sách, cũng chẳng giải quyết được việc làm cho dân. Việc chuyển đổi là cần thiết trong giai đoạn hiện nay”.


Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thì nếu chuyển mục đích sân golf này thành đất ở là sai lầm.


“Nếu lại biến sân golf này thành một khu dân cư, hay khu biệt thự gì đi nữa thì quá ngột ngạt. Vài nghìn tỉ tiền đất cho chuyển đổi sân golf có thể kiếm được. Nhưng hơn 62 ha đất vàng trong thành phố ở vị trí này sẽ không bao giờ có được nữa”, ông Thu phân tích.

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo