Chủ tịch Đồng Nai chịu trách nhiệm về dự án lấn sông
Chủ tịch Đồng Nai chịu trách nhiệm về dự án lấn sông Đồng Nai
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, bổ sung tính toán để đánh giá cụ thể, định lượng các tác động của Dự án đến sông Đồng Nai.
Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của dự án và các quy định pháp luật hiện hành, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến dự án theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sông Đồng Nai và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao hướng dẫn, giám sát UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giao thông đường thủy nội địa, quy hoạch và xây dựng đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Cấp Giấy phép kinh doanh lĩnh vực hàng không cần xem xét thận trọng
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Thông báo kết luận nêu rõ, đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn; đồng thời, đây cũng là một ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn các Doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không thực hiện đúng quy định tại Luật đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan; đồng thời, rà soát, thẩm định kỹ các trường hợp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng làm Trưởng ban BCĐ chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. HCM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM.
Vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM hiện nay đã trở nên vô cùng cấp bách, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và đào tạo... cũng như nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6731/VPCP-CN ngày 29/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; các Phó Trưởng ban gồm: 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng chỉ thị lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt hoặc chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền.
Xây dựng lộ trình và sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện việc cập nhật, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ; chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm tại tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Lập và triển khai kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện kế hoạch. Trong đó, tập trung xử lý: Trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt đi làm lối đi trên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hàng lang ATGT đường bộ, đường sắt; phá hoại công trình giao thông đường bộ, đường sắt; đấu nối trái phép vào quốc lộ...; tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đất hành lang ATGT đã được bồi thường, đền bù.
Triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương và nợ xấu của chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra tổ chức tín dụng, VAMC trong việc thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết trước ngày 15/8/2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới