Chủ tịch HĐQT Du lịch Hòa Bình: Đã làm là làm hết mình
Không chỉ là “sếp lớn” trong ngành kinh doanh dịch vụ, bà Hoa Lệ còn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trực tiếp quản lý đơn vị kinh tế của Hội và theo dõi phong trào phụ nữ các tỉnh phía Nam. Nhắc đến bà, người ta nhớ đến một người phụ nữ miệng nói tay làm, không nề hà bất cứ việc gì.
Tùy cơ ứng biến
* Lúc khởi đầu cách nay 25 năm, khi nơi nơi làm khách sạn, bà không làm theo mà lại khai thác dịch vụ vận chuyển du khách. Vì sao?
- Hòa Bình lúc mới ra đời vào năm 1989 là đơn vị làm kinh tế của một đoàn thể (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), không được cấp vốn, chỉ được tạo điều kiện về địa điểm. Năm 1993, Hòa Bình trở thành doanh nghiệp Nhà nước, năm 2012 mới là công ty cổ phần.
Đôi khi xuất phát điểm thấp lại là động lực cho ai biết vượt khó, khẳng định bản thân. Lúc người ta xây khách sạn khắp nơi, chúng tôi không có vốn, trong tay chỉ có 2 chiếc xe và 7 cán bộ, nhân viên nên chúng tôi đầu tư xe làm lữ hành. Vậy mà lại hiệu quả!
* Nổi tiếng về dịch vụ vận chuyển du khách, Hòa Bình hiện sở hữu gần 100 xe, liên doanh liên kết nhiều nơi, trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của ngành du lịch Việt Nam. Sao Hòa Bình không đi hẳn theo hướng này?
- Kinh doanh du lịch hiện nay gặp nhiều thách thức, xuất hiện nhiều kiểu làm ăn không lành mạnh. Nhiều công ty lữ hành có vốn chỉ vài trăm triệu đồng, giá nào cũng chạy, có cả hiện tượng không có giấy phép cũng kinh doanh vận chuyển khách quốc tế gây hậu quả xấu.
Chúng tôi một mặt giữ thương hiệu, một mặt trưởng thành từ nguồn vốn của mình, có thể đầu tư xây dựng nhà hàng khách sạn khép kín tour, tạo ra những sản phẩm riêng biệt, vì thực tế những chuỗi dịch vụ khép kín mang thương hiệu uy tín và chất lượng đã được khẳng định.
* Những sản phẩm riêng biệt đó có thêm gì mới, ngoài đội xe thưa bà?
- Thí dụ như loạt nhà hàng – khách sạn – hội nghị – tiệc cưới bốn sao như Hòa Giang tại Rạch Giá, Hòa Bình tại Phú Quốc. Chúng tôi cũng có Peace Resort đạt chuẩn 5 sao tại Bắc bãi Trường – Phú Quốc.
Nhờ vậy chúng tôi chủ động hơn trong vận chuyển khách du lịch kết nối tour các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Rạch Giá – Phú Quốc; tổ chức tour tham quan 3 nước Đông Dương; đầu tư vào tàu cao tốc Superdong… Đó là những việc nằm trong chiến lược sự phát triển bền vững của Hòa Bình trong thời buổi kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt hiện nay.
* Nghe nói từng có đối tác Pháp chắc mẩm bà là hướng dẫn viên. Có chuyện đó không ạ?
- Đó là thời kỳ đầu xây dựng công ty, tôi tham gia mọi công việc, kết hợp hướng dẫn nhân viên. Một lần ra sân bay đón đoàn khách đối tác Pháp rất quan trọng đến giao dịch hợp tác làm ăn, một sếp lớn của Pháp thấy tôi lo mọi thủ tục ở sân bay cho khách, lúc về công ty làm việc chính thức, lại thấy tôi trong vị trí giám đốc, ông lạ lắm và nói rằng, ban đầu ông tưởng tôi là một hướng dẫn viên du lịch.
* Bị nhầm lẫn vậy bà có phật ý?
- Ngược lại, đối tác đó rất có thiện cảm và tin tưởng tôi, mở ra quan hệ hợp tác lâu dài. Ông bảo tận mắt thấy “một con người thực sự của công việc”.
Sau này, ông không cần đích thân qua nữa mà hoàn toàn tin tưởng vào sự giới thiệu dịch vụ của chúng tôi. Làm nghề dịch vụ, tính chuyên nghiệp thể hiện ở sự chu đáo. Không quản ngại thời gian, công sức mới có thể chăm sóc tốt cho khách.
* Làm kinh doanh phải tính đến doanh thu, lại làm cán bộ hội, hai việc tưởng chừng khá mâu thuẫn ấy có gây khó khăn cho bà?
- Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và của bản thân mình. Để làm tốt, mình phải cố gắng hết sức. Hòa Bình dành khoảng 3 tỷ đồng ủng hộ và tổ chức các hoạt động xã hội – từ thiện mỗi năm.
* Bà thấy ngành du lịch nước ta so với thế giới thế nào, còn phải cố gắng những gì?
- Nói cụ thể thì có rất nhiều thứ, nhưng điều nổi bật là du lịch Việt Nam nghiêng về khai thác cạn kiệt thiên nhiên, nhiều di sản bị khai thác mà không được đầu tư trở lại tương xứng.
Nếu so với Campuchia, mình đầu tư cũng kém hơn. Họ có những con đường lên đỉnh núi Poco cho du lịch, dài tới 32 km với 4 làn xe chạy.
Khách châu Âu thường thích chương trình dài hạn khám phá những vùng đất hoang sơ, địa điểm lịch sử, thắng cảnh, trong khi khách châu Á thích tiện nghi, thích vui chơi giải trí. Do mình ít đầu tư, nên du khách thường chỉ đến một lần, ít khi quay lại.
Làm không vì danh hiệu
* Cá nhân bà được phong Anh hùng Lao động; đơn vị cũng đã được vinh danh dưới rất nhiều hình thức, mục tiêu tới đây của bà là gì?
- Chúng tôi làm không nghĩ để đạt danh hiệu. Mình làm, được khen thưởng cổ vũ cũng vui, nhưng đó không phải mục tiêu cuối cùng. Mơ ước của tôi là thực hiện tâm huyết từ thời cô Ba Định (Bà Nguyễn Thị Định – PV) – nếu tôi còn điều kiện sẽ khai thác hiệu quả cơ sở, xây dựng khang trang, kinh doanh hiệu quả hơn.
* Nhìn lại một quãng đường dài, bà không xây dựng gia đình riêng, tất cả cho công việc, vậy công việc đã đem lại gì và lấy đi điều gì ở bà?
- Sống là phải làm việc mới lo được cho gia đình và xã hội, đó là đương nhiên. Tôi không mất gì, mà cái lớn nhất là được tin yêu.
Tôi sống đơn giản. Café không uống. Xưa tôi là nữ sinh Gia Long bơi lội, giỏi thể dục thể thao, giờ thì… chỉ thèm ngủ vì bận rộn. Lúc lên xe, ngồi máy bay là lúc được ngủ.
Tôi sống với người mẹ đã 90 tuổi. Mắt mờ thôi, còn mẹ tôi vẫn khỏe. Chiều về có mẹ trước cửa đợi. Có mẹ là vui rồi…
* Kính chúc cụ luôn khỏe mạnh. Và bà luôn có nhiều niềm vui, thắng lợi trong công việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo