Chủ tịch HH Vận tải Hà Nội thách đố đề xuất “tịch thu xe”
Ngày 27.2 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô.
Ngày 7.3, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đưa ra lời thách đố đề xuất tịch thu phương tiện nếu tài xế sử dụng rượu bia quá mức cho phép của Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia - ông Khuất Việt Hùng.
Ông Liên nói: “Nếu thực thi đề xuất “tịch thu xe” từ nay đến cuối năm làm giảm số vụ tai nạn giao thông còn 50% so với trước khi có đề xuất này, tôi sẽ bỏ tiền túi từ 1 tháng lương của mình (7 triệu đồng) thưởng cho ông Khuất Việt Hùng”.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng đống tình quan điểm cần tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Bởi mức xử phạt như hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm luật lệ giao thông.
“Do vậy, có thể xem xét phạt nặng, thậm chí phạt nặng thêm 5 – 10 lần mức phạt so với hiện nay. Nếu tăng như vậy chưa được, sau này tiếp tục tăng nặng hơn nữa”, ông Liên bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên gọi đề xuất “tịch thu xe” là “hình sự hóa vi phạm giao thông, gây phản cảm, cực đoan”.
Ông Liên phân tích, xe máy, ô tô ở Việt Nam phải nộp lệ phí trước bạ, do vậy đó không chỉ là phương tiện mà là tài sản được Nhà nước bảo hộ.
“Khi xem xét mức xử phạt hành chính đụng chạm đến tài sản, quyền sở hữu của người dân phải hết sức thận trọng. Không phải lúc nào cũng có thể tịch thu được tài sản của dân”, ông bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng lo ngại về tính thực thi của quy định “tịch thu xe”. Nếu là xe của cá nhân, có thể tịch thu ngay được. Nhưng nếu người tài xế lái xe cho Nhà nước sẽ rất khó tịch thu.
“Có thể cứ đè ra thu xe của nhà nước, rồi bắt anh tài xế phải đền bù lại. Nhưng nếu anh tài xế không có tiền, tài sản thì lấy gì mà đền? Trong khi đó, xe công là tiền thuế của dân, mua để làm việc công”, ông Liên góp ý.
Trường hợp xe đi mượn, hay xe mua do vay tiền ngân hàng nhưng chưa trả hết cũng tương tự như vậy. Nếu cứ “thu xe không chính chủ”, sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều các vụ khiếu nại, kiện cáo, đòi nợ nhau.
Ông Bùi Danh Liên nhận xét, thực hiện đề xuất “tịch thu xe” đồng nghĩa với tốn rất nhiều tiền của, nhân lực, công sức để thực thi công việc có thể giải quyết đơn giản hơn rất nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng không đồng tình với việc các nhà đề xuất dẫn chứng một số nước tiên tiến có quy định tịch thu xe với người say xỉn.
Ông Liên cho rằng mỗi nước có tiến trình phát triển của nó. Quản lý xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển xã hội. Để có được nền tảng xã hội, dân trí cao như hiện nay, các nước tiên tiến đó phải mất nhiều năm, hàng trăm năm. Do vậy, không nên áp dụng luật của nước ngoài vào trong nước ta một cách cách máy móc.Nội dung..
Ông Bùi Danh Liên dẫn chứng về sự việc có thật, thường gặp trong đời sống mất nhiều năm không giải quyết xong.
Cụ thể trước đây, từng có vụ việc người tài xế lái xe không có bằng lái, điều khiển xe ô tô gây tai nạn chết người. Lúc đầu, chiếc xe bị tam giữ phục vụ điều tra, sau khi vụ án kết thúc, tòa ra quy định bán đấu giá chiếc xe.
Tuy vậy, lúc này phía ngân hàng không đồng ý bởi chủ xe vay 70% vốn ngân hàng để mua xe, như vậy, chiếc xe có tài sản của ngân hàng.
Tòa lại phải ra đề nghị phía ngân hàng và chủ phương tiện hiệp thương bồi thường cho nạn nhân. Nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu phải thu hồi được vốn cho vay. Cuối cùng lằng nhằng mãi không giải quyết được, chiếc xe, sau nhiều năm xe xuống cấp trầm trọng, bán không ai mua nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo