Xã hội

Chủ tịch nước: Bộ máy hành chính còn lùng bùng

Đâu phải cứ dân số tăng hay kinh tế tăng trưởng là phải tăng biên chế bộ máy.

Mục tiêu đề ra là tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn liền với tăng lương cho cán bộ, công chức (CBCC) đảm bảo cuộc sống nhưng rồi biên chế hằng năm lại không ngừng phình to ra với nhiều lý do.

Đây là những nội dung được thảo luận tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở” với TPHCM ngày 14/1. Trong buổi sáng, đoàn đã đi khảo sát tại phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) và buổi chiều đoàn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Bộ máy gọn lại nhưng biên chế tăng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết: Trước Nghị quyết 4 (khóa X năm 2007) về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổng biên chế cấp TP và quận - huyện là 12.203 người (không kể đơn vị sự nghiệp và CBCC phường - xã - thị trấn). Sau khi thực hiện đổi mới thì tổ chức bộ máy đã gọn lại nhưng biên chế lại tăng lên. Tuy số lượng đơn vị giảm so với trước, khắc phục chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận nhưng mục tiêu tinh giản biên chế không đạt. Chỉ riêng biên chế khối Đảng Thành ủy có giảm nhưng các cấp ủy quận - huyện, đoàn thể lại tăng lên, ở cấp phường - xã cũng vậy.

Đến nay, tổng biên chế khối Đảng, đoàn thể chính trị-xã hội cấp TP và quận - huyện có 3.802 người và dự kiến sắp tới tăng lên 4.359 người, tăng thêm 510 người so với trước khi sắp xếp tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn tiếp tục kiến nghị tăng biên chế trong thời gian tới. Trong đó đề xuất công nhận cán bộ công tác ở phường - xã - thị trấn là công chức để cán bộ yên tâm công tác; tăng số lượng CBCC để thay thế những người hoạt động không chuyên trách; tăng thêm cán bộ MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Tránh công chức hóa cán bộ đảng, đoàn thể

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, biên chế các đơn vị sự nghiệp và quản lý hành chính tăng do dân số tăng nhanh và quy mô tăng trưởng kinh tế-xã hội cần nhân lực phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, ông Thái Quang Toàn, thành viên BCĐ, băn khoăn: Nghị quyết yêu cầu giảm biên chế nhưng mỗi năm đều tăng thêm. Vậy do nghị quyết không sát thực tế hay thực hiện giảm biên chế không hiệu quả?

Bà Vũ Thị Thúy, thành viên BCĐ, cũng lo ngại có sự trùng lắp vì khảo sát tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có đến ba người hưởng lương cùng làm công việc kế toán. Một thành viên khác của BCĐ cũng cho hay quá trình khảo sát đề án cải cách bộ máy thì thấy có tỉnh một đồng chí phó chủ tịch MTTQ một ngày làm sáu báo cáo nên xin thêm một phó chủ tịch nữa. Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cung cấp thêm, có chi bộ cơ sở phải làm 30 báo cáo/tháng, có lãnh đạo phường phải ký cả ngàn chữ ký/tháng…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang than phiền, với cách làm thế thì thời gian đâu mà phục vụ dân. Theo Chủ tịch nước, cần tránh công chức hóa cán bộ Đảng, đoàn thể làm nặng thêm bộ máy. Cứ mỗi phường tăng một biên chế thì cả nước sẽ tăng thêm khoảng 10.000 biên chế. “Mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời làm chủ tịch UBND trước đây có nhiều lo ngại nhưng thực tế đã tinh gọn bộ máy không ít. Nếu triển khai toàn quốc, có thể giảm hơn 11.000 biên chế, với định mức chi hằng năm 77 triệu/người/năm thì tiết kiệm ngân sách khá. Bộ máy tinh gọn thì mới có thể tăng lương cho CBCC để đảm bảo cuộc sống” - Chủ tịch nước nói.

Bộ máy đang đẻ ra quá lớn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảnh báo bộ máy đang đẻ ra quá lớn. Theo Chủ tịch nước, đồng ý rằng khi dân số tăng, khối sự nghiệp công sẽ tăng, thầy giáo, thầy thuốc tăng. Nhưng phải rà soát lại, nhất là bộ máy hành chính, còn lùng bùng lắm. “Có những quan niệm không đúng. Đâu phải cứ dân số tăng, hay kinh tế tăng trưởng là tăng biên chế bộ máy. Vậy thì sẽ tăng đến đâu? Kinh tế phát triển như Mỹ, dân số đông và tăng nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ nhưng tổ chức bộ máy nước họ đâu có trùng trùng điệp điệp mà vẫn quản lý đâu ra đó. Phải làm rõ chức năng của các tổ chức, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể, MTTQ làm gì. Nhìn lại các vụ đổ vỡ xảy ra thì chức năng giám sát, vai trò của những hệ thống này hiệu quả đến đâu? Bộ máy cần sắp xếp lại tinh gọn hơn” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đua cho biết TP đang xây dựng bộ tiêu chí “sản phẩm công vụ” của từng vị trí, trên cơ sở đó mới có thể xây dựng bộ máy biên chế chính xác, làm rõ trách nhiệm, công việc của từng bộ phận không để chồng lấn, giữ lại những cán bộ đáp ứng công việc, thanh lọc những vị trí không còn phù hợp.

Bí thư Lê Thanh Hải nhìn nhận kiến nghị về biên chế của TP cũng chưa đạt yêu cầu. Ông Hải cho rằng nếu TP được áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì mới giải quyết được căn cơ. “Với mô hình tổ chức quận - huyện, phường - xã cũng là một cấp chính quyền hiện nay thì kéo theo các tổ chức đảng, đoàn thể cùng cấp, khiến bộ máy không thể giảm được. Thí điểm chính quyền đô thị, quận - huyện, phường - xã chỉ là cấp hành chính, quản lý điều hành theo ngành dọc thì số lượng tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể sẽ giảm mạnh” - ông Hải nói.

 


 Hồng Lĩnh (Theo Pháp luật TPHCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo