Xã hội

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang

Ngày 11/12, tại Bộ Tư lệnh TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang trên địa bàn TP.

Sáng 11-12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để lắng nghe, tiếp thu và giải đáp những kiến nghị của LLVT gửi đến Quốc hội. 

Các cử tri LLVT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phát biểu, kiến nghị 8 vấn đề gồm: Cần tăng cường công tác quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ; giáo dục quốc phòng an ninh cho các đối tượng, các cấp các ngành; phát triển kinh tế cần kết hợp tốt giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh; những tồn tại của những văn bản pháp luật đã ban hành còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện; cần có biện pháp mạnh để bài trừ tệ nạn ma túy; có chính sách nhà ở cho cán bộ, sĩ quan trong LLVT… Các cử tri còn đề nghị cần xử lý và xem xét trách nhiệm với những cá nhân liên quan đến các dự án nghìn tỷ bị đắp chiếu và thua lỗ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cử tri, đồng thời dành thời gian trả lời, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của LLVT thành phố, báo QĐND đưa tin.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016) và 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước gửi tới các đại biểu cử tri lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Theo tin tức trên báo TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, năm 2016, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bạn bè quốc tế trân trọng, khâm phục, đánh giá cao những thành tựu của Nhà nước và nhân dân Việt Nam... 

Tuy nhiên, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó dự báo, tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam như chủ nghĩa dân tộc thực dụng, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế... Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng ngày càng bộc lộ rõ nét; hoạt động của số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối ngày càng công khai, trắng trợn và nguy hiểm hơn. Cùng với đó là sự xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư tự do, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường... 

Giải đáp các ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh chính là yếu tố tiên quyết để triển khai tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; đi cùng với đó là công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho các cấp, các ngành và tất cả người dân.

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, không để bị động trong bất cứ tình huống nào.

Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng - an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, Chủ tịch nước khẳng định. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng giải đáp ý kiến của cử tri đề cập đến tồn tại hiện nay, đó là việc nợ đọng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa theo kịp với Luật đã ban hành, khiến cho việc triển khai thực hiện Luật còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; đồng thời đánh giá cao ý kiến cử tri về việc cần có quy định cụ thể về thẩm quyền, trang thiết bị, phương tiện thực hiện xử phạt hành chính, đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận các ý kiến cho rằng, cần phải coi trọng kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trong chiến lược chung, trong kế hoạch chung, trong từng dự án, từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở đó, cần có sự rà soát, thẩm định lại các dự án trọng yếu về quốc phòng - an ninh, liên quan đến khu vực phòng thủ, khắc phục kịp thời những dự án có dấu hiệu sai trái, thua lỗ đã được các phương tiện truyền thông đại chúng nêu, có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm, không để thua lỗ kéo dài. Đi liền với đó là việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra thiệt hại.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo TTXVN, QĐND)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo