Xã hội

Chủ tịch phường Tây Tựu lăng mạ công dân tại trụ sở

(DNVN) - Chủ tịch phường Tây Tựu đuổi công dân vì mặc quần sooc đến trụ sở làm việc, không tiếp phóng viên dù có giấy giới thiệu của cơ quan cùng với chứng minh thư nhân dân khiến nhiều người ngỡ ngàng trước thái độ của vị đứng đầu cơ quan công quyền phường Tây Tựu.

Đuổi công dân vì mặc quần sooc

Theo đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Phan Tuấn (tổ dân phố Trung 7 – phường Tây Tựu – Bắc Từ Liêm – HN), vào hồi 14h20 ngày 28/5, anh Tuấn đến UBND phường Tây Tựu để gặp gỡ trao đổi trực tiếp với ông Lê Văn Việt – Chủ tịch UBND phường Tây Tựu một số nội dung đã tố cáo và khiếu nại với UBND phường mà ông Việt có thông báo gửi trả lời không rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật. 

 

Đơn tố cáo của anh Nguyễn Phan Tuấn gửi cơ quan báo chí.

Cụ thể, anh Tuấn đã yêu cầu chủ tịch phường Tây Tựu cung cấp một số tài liệu liên quan đến đất đai, hồ sơ thiết kế nhà khách Đình Đăm tại địa phương vì có nhiều sai phạm trong việc thi công xây dựng. “Sau khi tôi đưa ra một số câu hỏi ông Việt không đáp ứng cũng như trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi. Để né tránh trách nhiệm trong việc giải quyết tiếp công dân, ông Việt quay sang chất vấn tôi về trang phục và đuổi tôi ra khỏi phòng. Tại thời điểm làm việc, tôi mặc áo sơ mi, quần sooc đến chùm đầu gối và đi giày…” – anh Tuấn kể lại. 

Cũng theo anh Tuấn, ông Việt liên tục có những lời nói mỉa mai, lăng mạ, xúc phạm và đuổi anh ra khỏi phòng. Đáp lại, anh Tuấn không có thái độ gì xúc phạm ông Việt, chỉ ngồi lại và nhẹ nhàng yêu cầu đưa ra câu hỏi cần được trả lời. Tuy nhiên, theo anh Tuấn thì ông Việt lại trợn mắt hét lên rất thiếu văn hóa rằng: “Tao không nghe mày nói nữa! Mày là thằng mất dạy”. 

Không những thế, ông Việt còn đứng lên khua tay múa chân đi lại khắp phòng, rồi gọi điện cho anh Bằng - Trưởng CA phường Tây Tựu để vu khống tôi rằng: “Anh cho quân và trực tiếp xuống ngay UBND phường có một công dân đang gây rối trật tự tại UBND”. Khi 4 đồng chí công an phường đến không thấy anh Tuấn có lời nói, hành vi vi phạm pháp luật nào nên không vào can thiệp. 

Chỉ làm việc với người có thẻ nhà báo

Nhằm xác minh thông tin sự việc trên, Phóng viên Doanh Nghiệp Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại để đến làm việc tại phường Tây Tựu thì được chủ tịch UBND phường Tây Tựu Lê Văn Việt đồng ý.

Tuy nhiên, khi phóng viên đến trụ sở phường thì chủ tịch Việt từ chối tiếp. Nguyên nhân là do, ông Việt chỉ làm việc với người có thẻ nhà báo, mặc dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan cùng với chứng minh thư nhân dân.

Ông Việt trả lại giấy giới thiệu, yêu cầu cử người có thẻ nhà báo xuống làm việc.
Ông Việt trả lại giấy giới thiệu, yêu cầu cử người có thẻ nhà báo xuống làm việc.

“Tôi đã xuất trình đầy đủ bao gồm giấy giới thiệu do Tổng biên tập ký cũng như chứng minh thư nhân dân, như thế tôi là đại diện cho tòa soạn báo Doanh nghiệp Việt Nam sao anh lại không tiếp?” – Phóng viên đặt câu hỏi. “Tôi đã làm việc ở vị trí lãnh đạo 11 năm rồi, nhiều phóng viên đến liên hệ sau đó đều thành bạn tôi. Nhưng nếu không có thẻ nhà báo thì tôi không làm việc. Đấy là nguyên tắc của tôi…” – ông Việt khẳng định. 

Trước sự không hợp tác của ông Việt, Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đành phải ngán ngẩm quay về. Tuy nhiên, trước quan điểm làm việc của ông Lê Văn Việt – chủ tịch phường Tây Tựu khiến nhiều người bất ngờ.   

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ./.

Điểm mới của Nghị định 159: 

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định. 

 

+ Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn hoặc không đúng thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp; cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.

Điều 37 Bộ luật dân sự quy định:

Danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điểm a, khoản 1, điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. 

Điều 121 Bộ luật hình sự cũng quy định tội làm nhục người khác:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:a) Phạm tội nhiều lần;b) Đối với nhiều người;c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;d) Đối với người thi hành công vụ;đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Tuấn Kiệt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo