Chủ tịch PVN: Không lo thiếu người làm lãnh đạo
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực thẳng thắn khi trả lời báo giới về tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này trong một số lĩnh vực.
Theo Chủ tịch PVN, đề án tái cấu trúc PVN đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 1/2013, từ đó tới nay đã tròn một năm và tập đoàn đã làm được một số bước tái cấu trúc ban đầu. Đề án tái cấu trúc các đơn vị thành viên tập đoàn cũng đã được phê duyệt. Kết quả đáng kể nhất, Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) đã hợp nhất với NHTMCP Phương Tây (WesterBank) thành NHTMCP Đại Chúng (PVCombank), đồng nghĩa vốn của tập đoàn mẹ PVN tại đơn vị này giảm từ 78% xuống còn 52%. Hiện PVCombank vẫn tiếp tục hoạt động và thoái vốn theo đúng lộ trình. Trong năm 2013 tập đoàn cũng sắp xếp sáp nhập đơn vị nghiên cứu, đào tạo là Viện Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Dầu khí trở thành Học viện Dầu khí...
Còn việc thoái vốn của PVN tại một tổ chức tín dụng khác là NHTMCP Đại Dương (OceanBank), lãnh đạo PVN cho hay, vừa rồi OceanBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ nhưng PVN không tham gia việc mua thêm cổ phần sở hữu, do đó khi vốn của OceanBank tăng lên nhưng tỷ lệ sở hữu của PVN vẫn giữ nguyên thì vốn của tập đoàn tại nhà băng này cũng giảm đi. Theo đúng lộ trình thì tới năm 2015 PVN sẽ hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại nhà băng này.
Cũng giống như cuộc họp cách đây 3 tháng khi trả lời báo giới về chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực cho rằng, ngày nào PVN còn vốn tại các ngân hàng trên thì tập đoàn sẽ hỗ trợ để các đơn vị này hoạt động vững mạnh, tạo điều kiện cho việc thoái vốn dễ dàng, bảo toàn vốn Nhà nước.
“Chủ trương của PVN là chừng nào tập đoàn còn sở hữu vốn tại các đơn vị kinh doanh ngoài lĩnh vực chính thì sẽ đảm bảo cho số này hoạt động hiệu quả, để tới khi thoái vốn bán được giá tốt, bảo toàn vốn Nhà nước. Chứ không phải sáp nhập, hợp nhất rồi các đơn vị này lại hoạt động yếu đi”- ông Phùng Đình Thực khẳng định.
Trả lời câu hỏi và cảm nghĩ của người đứng đầu một trong những tập đoàn lớn nhất nước trước quyết định của Chính phủ về việc “bãi nhiệm chức vụ người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nếu để doanh nghiệp thua lỗ hai năm liên tiếp”, ông Thực bày tỏ, đây là điều đương nhiên, nếu ai được tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo một DNNN mà không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì nên để người khác thay thế.
Còn về chuyện sang năm 2014 sẽ có sự thay đổi quan trọng các vị trí lãnh đạo chủ chốt của PVN, ông Thực trấn an, sẽ không có sự xáo trộn trong quản lý của tập đoàn này, bởi PVN đã và đang thực hiện đúng theo quy trình bổ nhiệm cán bộ. “Hiện quy hoạch cán bộ của PVN đã được phê duyệt, mỗi chức danh có 3-4 ứng viên nên không sợ không có nhân sự thay thế”- ông Thực nói.
Năm 2013 là một năm sản xuất kinh doanh khá ổn định của PVN. Tổng doanh thu toàn bộ các đơn vị tập đoàn năm 2013 đạt 762,86 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Nộp ngân sách đạt 195,4 nghìn tỷ đồng.
Tổng doanh thu hợp nhất đạt 384,4 nghìn tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch năm.
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 62,8 nghìn tỷ đồng; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 17,1%; Hệ số bảo toàn vốn đến thời điểm 31/12/2013 đạt 1,12 lần – đảm bảo vốn an toàn và phát triển.
Hệ số nợ/tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2013 là 0,4 lần, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của tập đoàn.
Năm 2014, PVN đặt mục tiêu 673,3 nghìn tỷ đồng doanh thu toàn bộ các đơn vị thuộc tập đoàn, nộp ngân sách 144,5 nghìn tỷ đồng; Tổng doanh thu hợp nhất là 353 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 55 nghìn tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)