Chủ tịch Quốc Hội: BHYT không được làm khổ dân
“Tôi có thẻ BHYT lại bảo đến chỗ này được, chỗ kia không được. Chỉ làm khổ dân. Nhà tôi ở ngay cạnh bệnh viện này, sao lại bắt tôi đi vài chục cây số đến bệnh viện khác?", Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
"Tư tưởng không thể chấp nhận"
Đa số các ý kiến đề nghị bác bỏ quy định các địa phương dùng quỹ kết dư BHYT để khen thưởng, tuyên truyền, mua sắm thiết bị… khi TVHQ cho ý kiến về Luật BHYT sửa đổi sáng 13/1.
Luật sửa đổi quy định, cho phép địa phương sử dụng 50% số kết dư để mua sắm phương tiện, trang thiết bị y tế, sử dụng vào mục đích khen thưởng, thi đua, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, nếu để lại 50% tỷ lệ kết dư cho các tỉnh sẽ dẫn đến quyền lợi hưởng dịch vụ khác nhau giữa các địa phương. Theo bà Minh, có thể để lại 30% quỹ kết dư cho địa phương. Nếu huy động hết vào quỹ tập trung để giải quyết vấn đề ASXH cũng tốt, nhưng như vậy các tỉnh có quỹ nhiều lại ý kiến.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý đề nghị cần hết sức cân nhắc quy định này. Nếu địa phương nào không sử dụng hết quỹ nên sử dụng vào mục đích chung. “Sử dụng quỹ kết dư để mua trang thiết bị, khen thưởng hay sử dụng vào mục đích khác là không đúng. Quỹ này phải được sử dụng phục vụ trở lại trong việc khám chữa bệnh cho người dân” – ông Lý nói.
Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị nên quản lý chặt nguồn quỹ kết dư. Quỹ này phải phục vụ cho khám chữa bệnh, không nên để phân tán. Quỹ kết dư lại dùng 50% để tuyên truyền, khen thưởng, mua sắm như thế không hợp lý.
Ông Hiển đề nghị nếu quỹ thừa phải chuyển về trung ương, không để lại cho địa phương được. “Địa phương muốn giữ lại đó là tư tưởng cục bộ. Cứ có tiền thừa là phải chi cho bằng hết, tư tưởng đó không thể chấp nhận được!”.
Theo Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa, mục đích quỹ bảo hiểm kết dư để chia sẻ rủi ro, mang tính nhân đạo, nhân văn. Nếu dùng 50% tiền đó đem đi đầu tư vào cơ sở vật chất sẽ không đúng. Ông đề nghị quỹ nên thực hiện thống nhất, bên cạnh đó cần có chính sách rõ ràng đầu tư cho đồng bào khó khăn.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nếu đã thực hiện BH toàn dân thì phần quỹ kết dư phải chung, “chứ không phải quỹ đó của tỉnh tôi, huyện tôi, xã tôi, thôn tôi được”. Một người vì nhiều người, một tỉnh vì nhiều tỉnh, không nên quy định bội chi của tỉnh nào thì tỉnh đó được dùng.
“Anh thắc mắc tại sao tỉnh mình có nhiều quỹ kết dư lại phải nộp cho trung ương. Vậy năm sau địa phương anh thiếu, hay gặp thiên tai bão lụt thì sao? Làm vậy không thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân, mà hết sức chủ nghĩa cá nhân. Quỹ này là liên tục nên phải sử dụng hợp lý chứ không thể cứ hết năm thì chia được” – ông Hiện khẳng định.
Tha thiết đề nghị thực hiện chủ trương BHYT bắt buộc tiến tới BHYT toàn dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không đồng tình với quy định sử dụng quỹ vào mục đích mua sắm. Đây là tiền đóng từ BH, nếu dùng vào mua xe, mua trang thiết bị sẽ không đúng, dùng để khen thưởng càng không nên. Nguyên tắc quỹ BHYT phải tập trung, nếu chia ra quản lý dễ dẫn đến nước chảy chỗ trũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải giữ quỹ BHYT toàn dân, không nên vẽ ra "kết dư, két dư" sẽ rất phức tạp. Quản lý như thế nào đó là nghệ thuật của nhà quản lý. Còn nguyên tắc chỉ có một tài khoản chung vì đây là quỹ của người ốm!
BHYT toàn dân có nên quy định với lực lượng công an?
Về đối tượng lực lượng vũ trang quân đội không tham gia BHYT, Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa cho biết, quân đội tổ chức nhiệm vụ quân y, đảm bảo sức khỏe cho quân đội theo tuyến, hướng. Quân đội phải đảm bảo theo yêu cầu và không có giới hạn gì cả. Lực lượng vũ trang thực hiện trong quy trình của quân đội và không tham gia đóng BHYT là hợp lý.
Ngược lại, ông Khoa đề nghị cân nhắc quy định tham gia BHYT đối với lực lượng công an nhân dân, dân quân tự vệ. Theo ông Khoa, công an được tập trung, thống nhất theo địa bàn hành chính. Việc thực hiện nhiệm vụ BH theo địa bàn không có gì phức tạp, còn quân đội không theo địa bàn nên không làm được.
Cũng theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, quân đội có hệ thống bệnh viện rất đầy đủ. Cấp trung đội, đại đội trở lên đã có y tá rồi. Riêng công an, hiện tại thì có đóng, nếu công an không đóng thì nhà nước đứng ra đóng thay.
Ông Lý đề nghị cân nhắc, xem xét lại đối tượng sĩ quan trong quân đội, công an nhân dân. Nếu quy định đối tượng BHYT là bắt buộc với toàn dân thì không nên loại trừ đối tượng nào cả.
Đối với nhóm lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công văn đề nghị không tham gia BHYT trong hệ thống dân sự này.
Tuy nhiên ở các nước và các chuyên gia cũng cho rằng, đã là BHYT toàn dân thì ai cũng phải tham gia. Lực lượng công an, quân đội được hưởng lương cao nên cứ đưa vào. Mặt khác công an, quân đội lên đến hàng triệu người, nếu không tham gia, chủ trương BHYT toàn dân sẽ không đạt 95% như kế hoạch.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, BH là một chính sách nhân đạo, người khỏe đóng tiền BH để giúp cho người ốm. Từ nguyên tắc đó, ai cũng phải đóng BHYT. Riêng quân đội, công an gần như đã được chu cấp về khám chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hạn chế tối đa ngăn cấm người dân. “Tôi có thẻ BHYT lại bảo đến chỗ này được, chỗ kia không được. Chỉ làm khổ dân. Nhà tôi ở ngay cạnh bệnh viện này, chỉ đi vài bước chân tới, nhưng lại bảo phải đi vài chục cây số đến bệnh viện khác khám. Cũng không nên phân biệt bệnh viện công – tư. Tôi có thẻ, nếu ưng bệnh viện tư thì vẫn có thể vào đó chữa bệnh được" - Chủ tịch Quốc hội nói.
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo