Pháp luật

Chủ xe cứu thương "dởm" là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thái Bình

(DNVN) - Những chiếc xe cứu thương "dởm" ngang nhiên hoạt động công khai và vô tư làm giá "cắt cổ" bệnh nhân là của cán bộ, nhân viên đang công tác trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình làm chủ, đứng tên.

Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin trước đó về tình trạng xe cứu thương "dởm' không có logo phòng khám, bệnh viện hay doanh nghiệp vận tải nào ngang nhiên tung tăng ra vào Bệnh viện Đa khoa Thái Bình nhưng không bị cơ quan chức năng nào xử lý khiến dư luận bức xúc. 

Vô tư làm giá... "cắt cổ"

Theo đó, suốt nhiều tháng qua, tại Thái Bình tình trạng xe cấp cứu giả 115 hoạt động rầm rộ một cách ngang nhiên đã làm náo loạn hoạt động cứu thương mà không bị một cơ quan nào xử lý. 

Qua điều tra của PV, trước cổng bệnh viện có 5 chiếc xe cứu thương được cho là dởm gồm 3 chiếc xe mang BKS Thái Bình (17A 024.11, 17A 049.40, 17A 025.18), hai chiếc BKS Hà Nội (30V 7002, 30P 2894). Điều đáng nói hơn là những chiếc xe cứu thương "dởm" này hoạt động công khai và tự trang bị còi hú, đèn ưu tiên, dán chữ thập, gắn giả mắc 115 và ngang nhiên đậu trong khuôn viên của một bệnh viện lớn và uy tín nhất nhì tỉnh Thái Bình.  

Tình trạng xe dù ngang nhiên lộng hành trước cổng BVĐK Thái Bình đã khiến cho dư luận băn khoăn lo lắng và không hiểu từ đầu có những chiếc xe "dởm" trên.

Không dừng lại đó, nhiều bệnh nhân đã phải nếm trái đắng từ việc đi xe dù mà được một số cán bộ nhân viên trong bệnh viện gọi giúp và phải trả với mức giá "cắt cổ". 

Cụ thể, giá cước xe cứu thương mà các gia đình bệnh nhân phải trả là 2.000.000 - 2.100.000 đồng cho tuyến đường từ Bệnh viện đa khoa Thái Bình đến Bệnh viện Bạch Mai (trẻ em được giảm 100.000 so người lớn). Trong khi đó, phí vận chuyển niêm yết ngay tại BVĐK Thái Bình đối với trường hợp vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương của Trung tâm cấp cứu 115 là 1.600.000 – 1.700.000 đồng/người bệnh. Đây là một số tiền không nhỏ đối với những bệnh nhân nghèo đang phải vật lộn trước hàng trăm thứ tiền và phải ngậm ngùi trả tiền cho xe dù.

Có thể nhận thấy rằng, đằng sau sự hoạt động công khai của những chiếc xe cứu thương này là nạn móc túi, chặt chém tiền của bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Không dừng lại đó là hệ lụy của chất lượng và an toàn cho bệnh nhân cấp cứu. 

Sự việc khiến dư luận đang băn khoăn về những chiếc xe cứu thương không có giấy phép hành nghề y tế này liệu có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu tối thiểu, có nhân viên y tế chăm sóc hộ tống hay không? Có hay không việc cán bộ nhân viên bệnh viện móc nối để chèo kéo khách và xe cứu thương giả vô tư làm giá "cắt cổ" để ăn chênh lệch ?

Xe cứu thương là của cán bộ, nhân viên bệnh viện

Trước tình trạng xe cứu thương dởm hoạt động một cách ngang nhiên và công khai diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong suốt thời gian qua nhưng không có một lực lượng chức năng nào đứng ra xử lý. PV Doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Thái Bình để làm sáng tỏ sự việc.

 

Tại đây, Bác sỹ CK II - Lại Đức Trí, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Những chiếc xe cứu thương không phép nói trên không thuộc của  bệnh viện. Những chiếc xe cứu thương này đã hoạt động từ lâu, chỉ vận chuyển người như dạng xe taxi, khi chở bệnh nhân vào bệnh viện và tranh thủ đỗ lại để kiếm cuốc."

Cũng theo vị Phó Giám đốc bệnh viện: "Qua xác minh những chiếc xe này là của bảo vệ bệnh viện và chỉ tranh thủ làm thêm chở bệnh nhân khi có nhu cầu. Ngoài ra, một số xe cứu thương là của Phòng khám Tuấn Dương được đăng ký tại phòng khám Tuấn Dương. Phòng khám này trước là của bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Nhưng thực tế phòng khám này đã ngừng hoạt động".

Bác sỹ Trí cho biết thêm, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đang yêu cầu những cán bộ liên quan báo cáo cụ thể và nếu có sai sẽ xử lý nghiêm. Bệnh viện cũng mong muốn cơ quan công an, Sở Y tế xử lý nghiêm.

Xác nhận thông tin với PV,  ông Lương Đức Sơn - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, "đây là những chiếc xe vận chuyển cấp cứu không phép. Những chiếc xe này của nhân viên bệnh viện và học chở bệnh nhân tử vong, ngoài ra lợi dụng chở bệnh nhân đi cấp cứu khi chuyển tuyến."

"Hiện nay Sở Y tế Thái Bình đang yêu cầu Bệnh Viện Đa khoa Thái Bình báo cáo bằng văn bản lên, đến nay sở chưa nhận được báo cáo nên sẽ trả lời quý báo bằng văn bản sau", ông Sơn thông tin thêm.

 

Tình trạng xe cứu thương "dởm" lộng hành diễn ra tương đối nhộn nhịp, công khai hoạt động và ngang nhiên ra vào Bệnh viện Đa khoa Thái Bình trong suốt thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý. Điều đáng nói ở đây là tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân đang bị đe dọa khi di chuyển trên đường cấp cứu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Trong khi xe thiếu trang thiết bị cấp cứu tối thiểu, không nhân viên y tế chăm sóc hộ tống theo đúng quy định của Bộ Y tế... 

Thiết nghĩ, một trong số những chiếc xe cứu thương giả trên là của cán bộ, nhân viên đang công tác trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình làm chủ, đứng tên. Vậy tại sao những chiếc xe này ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài mà không bị xử lý? Phải chăng có sự bao che, dung túng vi phạm của lãnh đạo Bệnh viện và Sở Y tế Thái Bình?

Doanh nghiệp Việt Nam kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần nhanh chóng xác minh, điều tra các phương tiện vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để sàng lọc, xử lý nghiêm những xe hoạt đông không có phép, xem thường tính mạng bệnh nhân và thách thức pháp luật.

Uy Vũ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo