Thị trường

Chưa đáng lo về lạm phát

Bất thường, nguy cơ lạm phát cao… là quan ngại của nhiều người khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng đột biến 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tiếp xúc với Thanh Niên đều khẳng định chưa nên quá lo lắng về lạm phát.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Nghị quyết của Quốc hội đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số, tức là có thể ở mức 8-9%, chứ không phải mục tiêu 7% như Chính phủ và một số chuyên gia tuyên bố. Với tình hình hiện tại, không nên quá lo lắng lạm phát quay trở lại.


Lý do là tháng 9 mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,2% nhưng trong đó hai nhóm đặc thù gồm y tế, giáo dục chỉ tăng trong tháng 9 thôi chứ không tăng ở các tháng khác. Nếu cộng cả giao thông vận tải (GTVT) và vật liệu xây dựng nhà ở thì bốn mặt hàng này tăng 1,7% trong số 2,2% trong tháng 9. Còn lại, tất cả nhóm hàng khác trong rổ hàng hóa tính CPI đều có mức tăng thấp, cao nhất 0,6%, thậm chí nhóm thực phẩm giảm giá.

Vẫn giữ được một con số

TS Lịch dự đoán, trong tháng 10 tới đây, không thể nào học phí và dịch vụ y tế tăng tiếp, dù biến động giá xăng dầu nếu có thì chỉ có nhóm hàng vận tải tăng nhưng cũng không gây đột biến. “Ba tháng còn lại nếu CPI tăng khoảng 3% thì năm nay cũng chỉ tăng khoảng 8-8,5%, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Do đó, chúng ta không vì những thông tin vừa qua mà hoảng loạn, siết chặt tín dụng, ngừng giải ngân càng khiến cho tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn. Báo chí cũng không nên nói nguy cơ, vì người dân không hiểu được, dễ hoang mang gây ra tâm lý không tốt, để rồi lạm phát thực không tăng mà lạm phát tâm lý đã leo thang khiến giá thực phẩm, lương thực bị đẩy lên là hết sức nguy hiểm”, TS Lịch cảnh báo.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ KH-ĐT) nhận định, CPI tháng 9 tăng bất thường nhưng đây không phải là chuyện đáng ngạc nhiên, mà đã được tiên lượng và cảnh báo khi hàng loạt lĩnh vực như y tế, giáo dục, GTVT đều tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân CPI tăng không chỉ do chi phí đẩy, mà còn từ sự “góp sức” của việc bơm tiền tới 21.000 tỉ đồng chỉ trong một tháng. “Sau tháng 9 này, Chính phủ nên rút ra bài học để khống chế giá cho tốt hơn, quản lý giá không thể buông thả được như thời gian vừa qua. Cái sai lớn nhất trong thời gian qua là cho tăng giá dồn dập với cả y tế, giáo dục trong cùng một thời điểm đã đẩy CPI lên rất mạnh, dù đây là các phương án tăng giá đã có lộ trình”, TS Hồ nói. Đối với giá xăng dầu, TS Hồ cho rằng sẽ tiếp tục khó dự đoán, khi giá nhập khẩu thế giới vẫn có xu hướng lên. Nếu giá xăng dầu tăng sẽ lan tỏa tới các lĩnh vực khác, đặc biệt là GTVT. Vấn đề của xăng dầu là phải minh bạch, xử lý cho hợp lý, nếu cần thì kìm giá bằng thuế, quỹ bình ổn.

Về CPI cả năm 2012, TS Hồ khẳng định sẽ vượt qua mốc 7,5%, nhưng khó vượt lên đến 2 con số. Điều cần cẩn trọng là nếu tiếp tục bơm tiền thật mạnh trong 3 tháng cuối năm trong khi thị trường không dung nạp được hết sẽ làm CPI bật mạnh hơn.


Điều hành giá phải thận trọng

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 7% của Chính phủ rất khó, bởi vì trong quan điểm kiến nghị của Ủy ban ngay từ quý 2 phải chuyển sang lạm phát mục tiêu. Tức khi đặt ra mục tiêu phải kiên quyết điều hành chính sách theo mục tiêu đó.

Việc CPI tháng 9 tăng mạnh, theo TS Ngoạn, là do giá xăng dầu, y tế, giáo dục tăng cùng một thời điểm gây ra sức cộng hưởng quá lớn. Từ nay đến cuối năm, theo quy luật nền kinh tế bị tác động bởi yếu tố thời vụ, nhu cầu điều chỉnh giá vẫn còn như giá điện, đặc biệt giá xăng dầu chưa biết sẽ còn tăng đến mức nào, mà mặt hàng này cơ quan điều hành cũng không thể chủ động được. Do đó chính sách điều hành về giá cần hết sức thận trọng, phải tính tới tác động ngoài mong muốn, mới mong giữ được lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô. “Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ kiên quyết đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm dù không kiểm soát được tuyệt đối thì cũng hạn chế được rất nhiều, nhưng các chính sách không được thay đổi mà phải thực hiện theo những mục tiêu này”, TS Ngoạn kiến nghị.

Cụ thể, về chính sách tài khóa, không cần thiết phải hạn chế giải ngân, bởi thực tế do việc phân bổ vừa qua chậm nên có sự “dồn toa” vào các tháng cuối năm. Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng giải ngân hơn 20.000 tỉ đồng kể cả nguồn vốn trái phiếu và ngân sách. Hạn mức trên đã được tính toán kỹ ở mức độ vừa phải không quá lớn, điều quan trọng là phải giải ngân đúng các dự án, công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và mang lại hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay mức tăng trưởng tín dụng đến 7.9 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đạt 1,82% so với mục tiêu 8-10% của cả năm, nên sẽ đủ dư địa để cân đối được với chính sách tài khóa. “Chính sách tài khóa và tiền tệ không cần thiết phải có thay đổi gì lớn, cái quan trọng là điều hành giá và ngăn chặn được lạm phát tâm lý, cũng như sự sốt nóng của thị trường vàng và ngoại hối từ nay đến cuối năm. Nếu kiên định chính sách này và quản lý tốt các thị trường trên thì hoàn toàn kiểm soát được lạm phát”, TS Ngoạn phân tích.


Theo Thanh Niên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo