Pháp luật

Chưa doanh nghiệp nào được nạo vét lòng sông Hồng

“Chúng tôi chưa bàn giao mặt bằng cho bất kỳ doanh nghiệp nào để thực hiện nạo vét lòng sông, tận thu cát trên tuyến sông Hồng qua địa phận Hà Nội. Mọi hoạt động nạo vét tại thời điểm này có thể coi là cát tặc”.

Người dân sống ven sông Hồng lo ngại sạt lở vì cát tặc

 

Ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định như trên, khi trao đổi với Tiền Phong về tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương của nhà nước về việc xã hội hóa nạo vét lòng sông, tận thu sản phẩm để hoạt động “cát tặc”.

 
Siết quản lý cấp phép “nạo vét”
 
Theo ông Toàn, thực tế luồng đường thủy nội địa không đảm bảo chuẩn tắc, đặc biệt vào mùa cạn đã gây nhiều khó khăn cho phương tiện vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại một số “điểm nóng”, vào mùa cạn có hàng trăm tàu thuyền mắc kẹt phải cứu hộ. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước sử dụng cho công tác nạo vét lòng sông hằng năm không có, các doanh nghiệp lại có nhu cầu sử dụng vật liệu (cát lòng sông) để phục vụ xây dựng công trình… Để giải quyết “vấn đề” trên, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 37 ngày 24/10/2013 quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.
 
Tuy nhiên, việc cấp phép nạo vét lòng sông cho các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục. Cụ thể, trên cơ sở hồ sơ đăng ký của nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ xin ý kiến địa phương. Sau khi có ý kiến thống nhất của địa phương về vị trí, khu vực dự án, kết quả đánh giá tác động môi trường của Sở TNMT (hoặc Bộ TNMT), Bộ GTVT sẽ ra văn bản chấp thuận vị trí, khu vực dự án cần nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm cho nhà đầu tư và giao nhiệm vụ cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế, phối hợp lựa chọn đơn vị giám sát, bàn giao mốc giới mặt bằng, tổ chức giám sát…
 
Ông Hoàng Minh Toàn cho biết thêm, tuyến sông Hồng qua khu vực Hà Nội như khu vực Cao Đạo, Trung Châu, Võng La - Thượng Cát, Hải Bối, Nhật Tân, Tứ Liên, Bắc Biên,  Bác Cổ…  có  một số nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện nạo vét luồng, đảm bảo giao thông kết hợp tận thu sản phẩm.
 
Sau khi xem xét hồ sơ, có 9 dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, Cục Đường Thủy nội địa Việt Nam phê duyệt chuẩn tắc thiết kế. Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành thủ tục đang thực hiện công tác bàn giao mặt bằng, chuẩn bị thi công (Cty TNHH Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi, Hà Nội và Cty TNHH Thương mại & Xây dựng Anh Tùng), còn các dự án khác chưa hoàn thiện thủ tục.
 
Còn tại khu vực sông Đuống, có 5 dự án đã được chấp thuận chủ trương và phê duyệt chuẩn tắc thiết kế. Trong đó, có 2 dự án đang triển khai thi công do Cty TNHH Vương Tiến làm chủ đầu tư và Cty TNHH Giang Linh. Các dự án còn lại chưa hoàn tất thủ tục thực hiện. Ông Toàn cho biết, thời hạn giấy phép nạo vét luồng cấp cho các doanh nghiệp là 2 năm.
 
Hà Nội: Chưa dự án “nạo vét” sông Hồng nào được hoạt động
 
 
Trở lại bài viết trước đó của Tiền Phong phản ánh về việc tại khu vực gần cầu Long Biên luôn xuất hiện 3 chiếc tàu khai thác cát, có tàu được trang bị cả cẩu và hoạt động liên tục… ông Hoàng Minh Toàn khẳng định: “Tất cả các dự án nạo vét tận thu trên tuyến sông Hồng qua địa phận Hà Nội, chưa dự án nào được phép hoạt động. Mọi hoạt động nạo vét cát vào thời điểm này có thể coi là cát tặc”.
 
Đánh giá về thực trạng khai thác cát trong thời gian vừa qua, ông Toàn cũng thừa nhận hoạt động “cát tặc” vẫn chưa được xử lý dứt điểm, có doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng chủ trương xã hội hóa nạo vét lòng sông để “làm bậy”, thực hiện nạo vét vào ban đêm, trong khi quy định cấm nạo vét vào ban đêm.
 
“Chính vì vậy, đối với các dự án nạo vét đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi đang tích cực thành lập các đoàn kiểm tra dự án của các nhà đầu tư và phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo trật tự an toàn khu vực. Dự án sẽ bị đình chỉ nếu triển khai khi chưa đủ thủ tục, không đúng phạm vi, vị trí được phê duyệt, đặc biệt việc lợi dụng dự án để khai thác khoáng sản gây tổn thất tài nguyên quốc gia, mất trật tự an ninh khu vực”- ông Toàn nói.
 
 

Cục Đường thủy nói không, Công an nói có

 
Liên quan đến một số tàu khai thác cát trên sông Hồng khu vực gần cầu Long Biên, Hà Nội, ngày 9/4, PV Tiền Phong gọi điện từ hiện trường cho một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 – Công an Hà Nội) để xử lý. Vị cán bộ này nói, các tàu khai thác trên là của doanh nghiệp “D.H.” và đã được cấp phép.
 
Tuy nhiên, ngày 13/4, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa khẳng định doanh nghiệp D.H. chưa hoàn thiện thủ tục và chưa được phép nạo vét. PV tiếp tục gọi điện cho ông Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng PC49, nhưng cũng được ông này khẳng định, vị trí khai thác cát tại khu vực cầu Long Biên là của doanh nghiệp D.H và đã được cấp phép!
Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo