Chưa thể thực hiện dán nhãn sản phẩm biến đổi gen
Quy định về “Sản phẩm có tỷ lệ biến đổi gen trên 5% phải ghi nhãn rõ ràng và thể hiện thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa” đã có hiệu lực từ ngày 11.6.2012. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu... thông tư.
Vắng bóng nhãn biến đổi gen
Dạo qua thị trường hiện nay, có thể nhận thấy các sản phẩm dễ có liên quan thực phẩm biến đổi gen như thịt, dầu ăn, sữa, trứng... nhưng không thấy sản phẩm nào có ghi nhãn thực phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu biến đổi gen hay không. Chẳng hạn như, sản phẩm dầu ăn có ghi "100% đậu nành cao cấp nhập khẩu từ các nước châu Mỹ", nhưng không nói rõ đậu nành đó có nguồn gốc từ biến đổi gen hay không?.
Hiện trên thị trường chỉ có duy nhất sản phẩm sữa đậu nành GoldSoy mới được giới thiệu trên thị trường của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là có dán nhãn "100% hạt đậu nành không biến đổi gen”, dù không có quy định bắt buộc phải ghi nhãn đối với sản phẩm không có chứa thành phần biến đổi gen.
Đại diện Vinamilk cho biết, cần thiết phải ghi rõ thông tin "không biến đổi gen" để người tiêu dùng có thêm thông tin trong việc lựa chọn sản phẩm, vì hiện nay người tiêu dùng trên thế giới và ở Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen. Theo Vinamilk, nguyên liệu đậu nành của sản phẩm “Sữa đậu nành” đều là loại nhập khẩu từ Mỹ và Canada. Các nguyên liệu này được kiểm nghiệm bởi Trung tâm Kiểm nghiệm ở Mỹ, Canada và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đậu nành xuất xứ từ châu Mỹ phần lớn đều có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen, trong đó riêng Mỹ 90% sản phẩm đậu nành là biến đổi gen.
Chờ thông tư hướng dẫn
Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), sau Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, còn phải có thông tư hướng dẫn để các cơ quan ban ngành liên quan thực thi. Hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã giao cho Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường soạn thảo thông tư hướng dẫn. Chưa có thông tư nên việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen là chưa thực hiện được.
Ông Hoàng Lâm - Phó Giám đốc QUATEST 3 cho biết: “Chúng tôi hiện đã có phòng giám định để xét nghiệm thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen. Về nguyên tắc, sản phẩm có tỷ lệ thành phần biến đổi gen trên 5%, thì phải dán nhãn, nhưng do vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, yêu cầu triển khai vấn đề này nên trung tâm cũng chưa thể thực hiện”.
PGS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng: “Việc thực hiện dán nhãn chỉ có Nhà nước mới có đủ chức năng làm, mà hiện Việt Nam có quá nhiều sản phẩm làm từ nông sản nhập khẩu. Điều đó, cũng đặt ra vấn đề là các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra không xuể đối với sản phẩm biến đổi gen. Hơn nữa, quyền của người tiêu dùng là được biết rõ nguồn gốc của sản phẩm trước khi mua là chính đáng. Nhưng để thực thi việc dán nhãn theo quy định là vô cùng khó khăn trong điều kiện của nước ta. Bởi giá thực hiện xét nghiệm sản phẩm có biến đổi gen hay không ở khu vực Đông Nam Á còn khá cao: 150 USD/mẫu phân tích định tính, 400 USD/mẫu phân tích định lượng. Giả sử, người dân dùng đậu xanh để gói bánh chưng, theo quy định thì phải dãn nhãn biến đổi gen với sản phẩm này. Như vậy, giá mỗi cái bánh cũng sẽ đội lên 10 - 11% nên khó bán”.
Đoàn Huế (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg