Chưa truy nã quốc tế với nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, ngày 18/5, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở và làm việc, cũng như ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can này. Tuy nhiên, lệnh bắt giữ bất thành do tại thời điểm này ông Dũng không có mặt tại nơi cư trú cũng như nơi làm việc.
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định tại thời điểm này ông Dũng không có kế hoạch công tác đột xuất, lãnh đạo cục không nhận được thông báo nghỉ cũng như không thể liên lạc được với ông này trong suốt ngày qua. Còn những người thân không biết ông Dũng đi đâu.
Theo thông báo của cơ quan điều tra, ông Dương Chí Dũng bị khởi tố để điều tra hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.
Trong đó, chỉ riêng việc mua ụ nổi No83M, cơ quan chức năng đã xác định có dấu hiệu cố ý làm trái gây lãng phí trên 500 tỉ đồng. Cùng bị khởi tố với ông Dũng còn có các ông Mai Văn Phúc - Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều - Phó Tổng Giám đốc Vinalines.
Trao đổi với báo chí chiều qua (20/5), một lãnh đạo Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, chưa nhận được đề nghị từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an về việc truy nã quốc tế đối với nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng.
Theo cán bộ này thì thông thường khi xác định đối tượng đã trốn ra nước ngoài và trên cơ sở đề nghị của Cơ quan CSĐT, Văn phòng Interpol sẽ phối hợp với Interpol quốc tế thực hiện các thủ tục để ra lệnh truy nã quốc tế.
Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 đối tượng là Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc; Trần Văn Quang - Trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng - Phó trưởng bộ phận vỏ của Công ty TNHH Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp - Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân.
Các bị can trên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham ô trong việc thực hiện các hợp đồng sửa chữa ụ nổi No83M thuộc dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Cơ quan chức năng xác định, chủ đầu tư mua ụ nổi 43 tuổi này hết 9 triệu USD, sau đó về sửa chữa và chi phí khác hết hơn 17 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư cho thiết bị này lên 26,3 triệu USD - tương đương 70% giá đóng mới.
Tuy nhiên, thiết bị này vẫn chưa thể hoạt động.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo