Chuẩn bị đưa vào khai thác nhà ga T2 Nội Bài và cầu Nhật Tân
Ngày 4/1/2015, Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa vào khai thác 4 dự án lớn tại Hà Nội: Nhà khách VIP A, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, các dự án trên là những dự án trọng điểm Quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (trừ Nhà khách VIP A). Việc đưa các dự án này vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện vành đai 2 của thành phố Hà Nội, một vành đai hết sức quan trọng trong nội đô. Đồng thời tạo ra đường đối ngoại đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, kết nối sân bay quốc tế Nội Bài với Thủ đô Hà Nội.
Về dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành xây dựng theo đúng tiến độ đề ra. Ban Quản lý dự án Nhà ga T2 Nội Bài cũng đã tổ chức bàn giao cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để quản lý khai khác Nhà ga. Hiện nhà thầu đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các hạng mục xây dựng và một số hạng mục phụ trợ để đảm bảo hoàn thành trước khi chính thức khai thác Nhà ga T2.
Nhà ga hành khách T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian vừa qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục được những hạn chế trong quản lý và khai thác, tạo ra sự phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa các đơn vị phục vụ để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại đang quá tải, bảo đảm chất lượng phục vụ thuận tiện cho hành khách.
Công suất ngày cao điểm của nhà ga T2 đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Công trình đặc biệt này được xây dựng trên diện tích sàn 139.216 m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Theo thiết kế tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà ga có 96 quầy thủ tục check-in và 10 ki-ôt check-in tự động cho hành khách tự làm thủ tục cùng các dịch vụ thu đổi ngoại tệ, thông tin du lịch, bưu điện, sách báo, ăn uống giải khát, y tế…
Thông tin về dự án cầu Nhật Tân, Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho biết, hiện Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đang khẩn trương thực hiện các hạng mục còn lại của 3 gói thầu và sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2014. Các hạng mục thi công chính của Dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác.
Tuy nhiên, tư vấn và nhà thầu sẽ kiểm tra, rà soát để hoàn thiện một số hạng mục ngoài chính tuyến như vỉa hè, các hạng mục tại đảo nút giao Phú Thượng. Đồng thời tiếp tục thi công một số hạng mục bổ sung như hệ thống phòng cháy cho cầu chính, tăng cường thêm hạng mục an toàn giao thông tại một số vị trí trên đường dẫn và trồng bổ sung cây xanh.
Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng) được thiết kế với 6 làn xe ô tô và 2 làn xe máy, hai làn xe máy là hai làn phía ngoài cùng của cầu và không được đi lấn sang làn ô tô. Còn xe ô tô được phép đi trên cầu là xe con hoặc xe khách, với xe tải sẽ đi đường vành đai 3.
Đây là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…
Liên quan tới vấn đề thu hồi vốn cho các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư nên không đặt vấn đề thu phí để hoàn vốn. Riêng nhà ga T2 Nội Bài, vốn đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vay lại và sẽ trả dần thông qua thu phí dịch vụ./.
Hoàng Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo