Thị trường

Chung cư đang tranh chấp, ngân hàng vẫn đấu giá thu hồi nợ

Hàng chục khách hàng mua căn hộ chung cư Gia Phú kéo đến BIDV chi nhánh Trường Sơn - Gò Vấp, TP HCM khi nghe tin nhà băng đấu giá chung cư này.

Nhóm khách hàng cho biết, nghe được thông tin nhà băng sẽ tiến hành xử lý nợ bằng cách đấu giá dự án chung cư Gia Phú nên ngày 26/6 đã đề nghị gặp lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV xác minh thông tin. Những khách hàng này còn đề nghị BIDV giải thích về khoản nợ của chủ đầu tư, Công ty Địa ốc Gia Phú tại ngân hàng này.

Ngoài ra, đại diện nhóm khách hàng cũng yêu cầu nhà băng làm rõ quyền lợi của hơn 200 người đã bỏ tiền mua dự án nếu chung cư Gia Phú bị đem đi đấu giá. Quan điểm của các khách hàng là BIDV không có quyền đơn phương bán chung cư vì đó cũng là tài sản của hàng trăm người đã bỏ tiền mua căn hộ trong dự án này.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cho biết, thực ra dư nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú là khoản nợ do Ngân hàng Mê Kông - MHB, Chi nhánh Gia Định cho vay trước đây. Sau khi  sáp nhập và tiếp nhận lại MHB, trong đó có các khoản nợ của ngân hàng này, BIDV đã tổ chức triển khai các phương án xử lý nợ theo quy định pháp luật.

Tính đến thời điểm 30/4/2018, tổng dư nợ của Công ty Gia Phú là hơn 232 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 89 tỷ, nợ lãi hơn 143 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá khởi điểm mà BIDV đưa ra đấu giá khoản nợ nói trên là hơn 112 tỷ đồng.

Chung cư Gia Phú tại quận Thủ Đức. Ảnh: Cafeland.

Theo BIDV, khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú là khoản nợ xấu thuộc đối tượng xử lý theo quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng. Vì vậy, ngân hàng đã căn cứ Nghị quyết này cũng như Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua bán nợ để trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý khoản nợ theo phương thức bán đấu giá khoản nợ.

Đại diện BIDV nhấn mạnh rằng, nhà băng không bán tài sản chung cư. Theo đó, ngân hàng không xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty Gia Phú (là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án chung cư Gia Phú) mà chỉ tiến hành các thủ tục để bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty này.

Theo quy định pháp luật, người mua được khoản nợ của Công ty Gia Phú tại BIDV sẽ là chủ nợ mới của khoản vay, sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của chủ nợ đối với khoản nợ này. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ giữa người mua căn hộ và chủ đầu tư trong dự án hoàn toàn không thay đổi. Vì vậy, việc BIDV bán đấu giá khoản nợ không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân mua nhà trong dự án.

BIDV cũng giải thích thêm, trường hợp đấu giá thành công, chủ nợ mới của khoản vay không phải là chủ sở hữu của tài sản đảm bảo (dự án chung cư Gia Phú) cũng không phải là chủ đầu tư của dự án này. Vì vậy, việc trở thành chủ nợ mới của Công ty Gia Phú không phát sinh thêm trách nhiệm làm các giấy chứng nhận sở hữu cho các khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc sử dụng cho người mua nhà là trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc bên bán với người mua theo hợp đồng mua bán, quy định pháp luật về nhà ở, đầu tư, xây dựng và các quy định pháp luật khác liên quan.

 

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng, việc bán khoản nợ theo Nghị quyết 42 hoàn toàn khác với việc bán đấu giá tài sản chung cư. Theo đó, nếu BIDV bán đấu giá khoản nợ của Công ty Gia Phú thành công thì quyền và nghĩa vụ giữa người mua căn hộ và chủ đầu tư trong dự án này hoàn toàn không thay đổi.

Dự án chung cư Gia Phú tọa lạc tại đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thuộc phân khúc nhà giá rẻ do Công ty Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư. Chung cư được chào bán ra thị trường năm 2010. Nhiều khách hàng đã đóng 70-90% tiền mua nhà và một vài trường hợp đã đóng 95-100% giá trị tài sản.

Hợp đồng được ký vào các thời điểm khác nhau, thời hạn bàn giao vào quý II/2012 hoặc quý III/2013. Tuy nhiên, không những chậm giao căn hộ, chủ đầu tư còn bị khách hàng phát hiện một căn hộ bị bán trùng cho nhiều người. Đầu năm 2015, số khách hàng bị bán trùng căn hộ đâm đơn khiếu nại liên tục tăng lên. Có nhiều trường hợp tố cáo một căn bị bán trùng cho 6-9 người.

Tháng 5/2015, cuộc chiến đòi nhà, săn tìm chủ đầu tư, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng nổ ra liên miên. Đơn vị chịu trách nhiệm chính về vụ việc này là chủ đầu tư, Công ty Gia Phú Land thường xuyên né tránh khách hàng. Đã có một vài trường hợp khách hàng khởi kiện yêu cầu công ty Gia Phú bồi thường và thắng kiện.

Song song đó, các cá nhân và tập thể khách hàng tại dự án Gia Phú đã làm đơn tố cáo gửi Cảnh sát điều tra TP HCM. Cơ quan này đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với người đứng đầu doanh nghiệp là bà Đoàn Thị Hoàn My, chức danh Tổng giám đốc và ông Nguyễn Hùng Nghiêm đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc.

 

Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên cuối năm 2015 Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn lệnh bắt ông Nghiêm. Bất bình trước phán quyết này, khách hàng vẫn tiếp tục gửi đơn cứu xét lên các cấp cao hơn. 

Trong lúc các tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua vẫn chưa ngã ngũ, khu chung cư vẫn bỏ hoang, động thái xử lý nợ của BIDV khiến hàng trăm khách hàng hoang mang với nỗi lo mất trắng tài sản. Những người mua căn hộ đặt ra câu hỏi ngân hàng đấu giá khoản nợ liên quan một tài sản đang tranh chấp liệu có đúng quy định của pháp luật và quyền lợi của họ có được đảm bảo?

Trưởng văn phòng Luật sư Gia Linh, Nguyễn Sa Linh cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu tranh chấp của khách hàng với chủ đầu tư chỉ dừng lại ở án dân sự, không cấu thành án hình sự, thì các hoạt động dân sự khác vẫn diễn ra bình thường.

Luật sư Linh cho hay, điều luật bắt buộc trong tình huống này là bên mua lại khoản nợ BIDV tiến hành đấu giá phải kế thừa các quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng. Như vậy, bằng điều kiện ràng buộc này, tài sản của khách hàng sẽ vẫn tiếp tục được bảo vệ.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại khu Nam TP HCM cho biết, khái niệm bảo vệ quyền lợi khách hàng mua chung cư Gia Phú được luật sư đề cập hiện nay quá mong manh. Nếu đặt lên bàn cân giữa 2 đối tượng đòi nợ là ngân hàng và khách hàng trong vụ án chung cư Gia Phú thì người mua là bên yếu thế hơn và nguy cơ tài sản bốc hơi, mất mát rất lớn.

 

Gần một thập niên qua khách hàng đã nộp tiền theo nghĩa vụ, làm đủ mọi cách tố cáo, cầu cứu, khởi kiện chủ đầu tư mà vẫn chẳng đòi được nhà thì đến nay, dự án bị mang ra xử lý nợ, quyền lợi của ngân hàng sẽ được ưu tiên trước, sau đó mới đến người mua căn hộ. Hơn nữa, ngân hàng đấu giá khoản nợ của chủ đầu tư trong dự án này nhiều khả năng không đạt được giá cao vì dự án bị bỏ hoang, lại là phân khúc giá rẻ, dễ bị xuống cấp. Như vậy, cơ hội lấy được nhà hay bảo toàn dòng tiền của khách hàng ngày càng bấp bênh hơn.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo