Chúng ta đã đi quá xa khỏi truyền thống tốt đẹp
Rượu bia có phải là nguyên nhân chính, chắc là có nhưng không phải là trọng yếu bởi lẽ trên thế giới thiếu gì quốc gia bia rượu nhiều hơn ta.
Những ai từng ở Nga đều thấy người Nga uống vodka rất nhiều và rất nặng, nhưng người Nga đâu đánh nhau vì rượu nhiều như ta.
Mỗi khi say họ kiếm một góc nào đó để nằm, hay cùng lắm là hát rống lên. Tương tự người Ba Lan, Đức... cũng uống bia, có khi nhiều hơn người Việt Nam nhưng mấy khi choảng nhau đâu, vậy rượu bia chỉ là cái cớ cho người ta gây sự, chưa chắc phải là tất cả.
Có một sự thật rất hiển nhiên là so với các cộng đồng trong khu vực thì người Việt Nam tỏ ra thiếu kiềm chế nhất. Những ai đi nước ngoài nhiều sẽ thấy người Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Malaysia rất lành, ít khi thấy họ đánh nhau ngoài đường hay to tiếng với nhau.
Trong khi đó ở ta động tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Hai xe va chạm, thay vì xin lỗi thì rút dao ra xỉa vào bụng nhau. Không vui trong bữa nhậu cũng choảng ly vào đầu nhau. Đánh nhau rất nhiều vì những lý do trời ơi không sao hiểu nổi như “bị nhìn đểu”, va chạm nhau chỗ đông người, mời uống bia bị từ chối do không quen...
Kể cả một chuyện cực hiếm ở nước ngoài là thoải mái hành hung cảnh sát, từ đàn ông đến bà già, phụ nữ chân dài ai cũng có thể chửi bới, ai cũng phang cảnh sát được!
Quê tôi ở một vùng trung du cách Hà Nội chừng 50km, trước là vùng sâu nay nghiễm nhiên trở thành ngoại thành Hà Nội. Buổi tối thấy mấy trẻ ra đường hay mang theo vũ khí. Chúng có hai loại vũ khí “trường” và “đoản”.
Trường là mã tấu, côn, ống nước, kiếm Nhật, gậy tre già, loại này thường giấu kỹ vào một chỗ nào đó, chỉ dùng trong những trường hợp đối đầu tập thể. Còn đoản là dây xích xe đạp, dao Thái Lan, dao găm Trung Quốc, nắm đấm sắt, đá xanh gói trong vuông vải, thắt lưng da có khóa móc...
Đứa cháu tôi được tiếng là hiền lành nhưng cũng thủ sẵn trong người vài món vũ khí để đề phòng trai làng bên, hoặc đơn giản là một thằng bất kỳ gây chuyện. Làng quê bây giờ không còn bình yên như xưa nữa.
Có bao nhiêu lý do để kể ra, nhiều, nhiều lắm. Nào là do giáo dục kém, do phim ảnh bạo lực, do văn hóa phương Tây... nhưng chắc chắn một điều là hiện tượng này không phải tự nhiên có mà là hệ quả của một quá trình ủ bệnh rất dài nhiều chục năm nay.
Một điều cực kỳ hệ trọng cần chỉ ra là nhiều người hiện nay mất niềm tin, mất phương hướng. Một số người thường không tin vào lực lượng bảo vệ dân bởi có nhiều sự bất công, sự oan sai và sự hiếp đáp.
Con cái không tin vào cha mẹ bởi cha mẹ cũng làm những điều trái với lời răn dạy. Học trò không tin vào nhà trường bởi nhà trường cũng mua bằng bán chữ.
Không phải vô cớ khi các nhà nghiên cứu nói người ta lao vào ma túy, rượu bia, sex, tự tử, tự phá hỏng cuộc đời mình là khi niềm tin đã hết, khi ấy cuộc sống bản thân họ chả có ý nghĩa gì cả, chỉ có dịp là bùng nổ, phá phách. Thêm vào nữa xã hội quá nhiều bất ổn, nhiều rủi ro và những nỗi sợ hãi thường trực.
Hằng ngày nhiều người co rúm lại vì hàng trăm nỗi lo bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng ập đến không hẹn trước: mất việc, mất nhà, tai nạn, ngập nước, hỏa hoạn, bệnh hoạn, nợ nần, ngộ độc, chèn ép, hành hung, gia đình tan vỡ... làm con người ta rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, căng thẳng quá mức.
Người tử tế tự vệ bằng cách cố gắng thu nhỏ mình lại, còn có người giải phóng bằng cách cho bùng ra, do vậy chỉ cần một cú hích nhẹ nào đó cũng đủ làm người ta nổi khùng lên, thực hiện hành động bột phát không cần suy nghĩ, cốt sao cho hả cơn đau bị dồn nén, và khi ấy rượu bia là cái cớ tháo chốt, ai đó sẽ là nạn nhân, và rất nhiều người bị vạ lây.
Xin lỗi thì đã muộn
Hai người tài xế xông vào nhau. Cuộc cãi vã kéo dài 15 phút, suýt trở thành cuộc ẩu đả nếu hành khách trên cả hai chiếc xe khách không lũ lượt kéo xuống can ngăn trong sự ngán ngẩm. Đó là chuyện tôi chứng kiến trong chuyến về quê ăn giỗ cuối tuần rồi. Tôi là hành khách trên chiếc xe đã chạy cắt đầu chiếc xe kia gây va quẹt nhẹ. Khi tài xế xe tôi vừa dừng lại, mở cửa, người tài xế xe kia đã xông đến trước cửa xe văng tục. Dĩ nhiên, tài xế xe tôi cũng “không phải dạng vừa”.
Một ngày chúng ta gặp biết bao chuyện vì một chút va chạm, chửi bới rồi động tay chân là “công thức” quen thuộc đến mức dễ đoán biết. Những cái kết thảm thương kéo theo cũng là chuyện không gây bất ngờ.
Tôi hay đọc mục Ký sự pháp đình của báo Tuổi Trẻ và đọc những dòng “chỉ vì lúc đó bị cáo nóng quá”, “bị cáo không kiềm chế được cơn giận”... mà cay xé lòng. Một phút thôi nhưng cả đời cũng không chuộc lại được.
Mấy ngày nay cộng đồng mạng dậy bão vụ người mẫu Trang Trần. Thông tin trên báo chí cho thấy cô ấy đã xin lỗi. Dân gian cũng có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, lỗi của cô ấy không gọi là lớn, nhưng cả luật pháp và lòng người đều không thể vì một lời xin lỗi mà một cái phẩy tay bỏ qua.
Tôi nhớ ngày nhỏ từng nghe mẹ nói chuyện: khi ta làm gì sai, gây thương tổn cho ai cũng giống như đóng một cây đinh vào tường. Đến khi ta ăn năn hối lỗi, gỡ cây đinh ra thì trên tường vẫn còn một cái lỗ đinh.
Sự thất vọng của cộng đồng vào cô Trang Trần, sự mất mát uy tín của cô ta chính là cái lỗ đinh ấy. Cũng như con số hơn 6.000 người nhập viện do ẩu đả trong dịp tết là hơn 6.000 cái lỗ đinh để lại.
Trám kiểu gì cũng không thể liền lạc hoàn toàn được những mối quan hệ rạn nứt, những giá trị sống, quy tắc ứng xử đã bị giày xéo.
Nên tốt nhất đừng đóng cây đinh nào vào tường. Khi thấy máu nóng dồn lên, hãy dành một phút tự hỏi: chuyện mình sắp gây ra có thể vì một câu xin lỗi mà xí xóa được không?
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo