Chuỗi liên kết dẫn vốn vay vào hợp tác xã
Hình thành từ mô hình liên kết
Cuối tháng 4 vừa qua, ông Huỳnh Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, hiện nay sau 4 năm thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ rau quả theo chuỗi giá trị, công ty của ông đã trực tiếp đề nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ để doanh nghiệp thành lập hợp tác xã kiểu mới nhằm gia tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Theo ông Vinh, việc doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thành lập hợp tác xã là một xu hướng tất yếu bởi khi mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng mở rộng thì việc quản lý các hợp đồng liên kết riêng lẻ gặp phải nhiều khó khăn. Nông dân không bị ràng buộc chặt chẽ bởi quyền lợi chung của cả chuỗi giá trị nên dễ dàng “bẻ kèo” phá vỡ hợp đồng.
“Khi đã thành lập hợp tác xã, các nông dân liên kết với doanh nghiệp sẽ phải ngồi chung vào tổ chức kinh tế này. doanh nghiệp sẽ vẫn liên kết với ngân hàng để cung ứng vốn, vật tư đầu vào theo từng giai đoạn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, hợp tác xã sẽ đứng ra ký hợp đồng chung với doanh nghiệp. Các hộ riêng lẻ vì thế không thể tự ý phá vỡ hợp đồng được”, ông Vinh nói.
Đề xuất thành lập hợp tác xã của Antesco lập tức được chính quyền địa phương tại An Giang chấp thuận. Thậm chí ngay cả Agribank chi nhánh An Giang là đơn vị cấp vốn cho mô hình liên kết này cũng tỏ ra đồng tình. Bởi theo cán bộ Agribank phụ trách cho vay đối với mô hình của Antesco thì thời gian qua, do doanh nghiệp hợp đồng riêng rẽ với nhiều nông dân nên chi phí kiểm nghiệm hoạt chất trong sản phẩm nguyên liệu có chiều hướng ngày càng gia tăng. Ngoài ra việc “bẻ hợp đồng” cũng như việc không chấp hành đúng các yêu cầu về chất lượng nông sản của nông dân cũng đã nhiều lần khiến doanh nghiệp bị trả lại đơn hàng, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Thực tế không chỉ Antesco có nhu cầu thành lập hợp tác xã, tại khu vực ĐBSCL hiện nay hàng loạt các doanh nghiệp lớn có liên kết với nông dân trong các mô hình chuỗi giá trị nông sản đều có nhu cầu thành lập hợp tác xã để gia tăng gắn kết và ràng buộc trách nhiệm.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết hiện các doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, CTCP Nông sản Vinacam cũng đã đề xuất và thành lập hợp tác xã ngay trong mô hình sản xuất nông sản theo chuỗi của mình. Kết quả bước đầu cho thấy hợp tác xã do các doanh nghiệp thành lập đều hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt các nút thắt về vốn và quản trị được các đơn vị này tháo gỡ khá triệt để do có sự trợ lực từ doanh nghiệp và các NHTM.
Ngân hàng tham gia nhân rộng
Trong một diễn biến lớn hơn, vừa qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với NH Bắc Á (BacABank) tổ chức ký kết hợp tác xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, phía BacABank đã cam kết nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho từng loại hình hợp tác xã để cung cấp các ưu đãi về lãi suất, phương thức thanh toán và thời hạn giải ngân.
Phía Liên minh hợp tác xã và Tập đoàn TH sẽ phối hợp đầu tư nguồn lực để xây dựng mô hình các hợp tác xã với dự kiến trong vòng 3 năm (từ 2018 đến 2020) xây dựng thành công khoảng 250 - 300 mô hình hợp tác xã kiểu mới do các doanh nghiệp hậu thuẫn thành lập. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài Tập đoàn TH, Liên minh hợp tác xã Việt Nam dự kiến sẽ mời thêm khoảng 150 doanh nghiệp nữa cùng tham gia xây dựng các mô hình hợp tác xã.
TS. Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn miền Nam cũng cho biết, hiện nay ở khu vực phía Nam việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hợp tác xã cũng được chính quyền địa phương các địa phương khuyến khích thực hiện. Đến thời điểm này, tại khu vực TP. HCM, Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (CCM) và 19 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã có những cam kết tham gia đầu tư vốn để phát triển các hợp tác xã kiểu mới hoạt động như mô hình doanh nghiệp cổ phần.
Tại khu vực ĐBSCL, hiện nay Bộ NN&PTNT đã tổ chức cho khoảng 30 hợp tác xã tham gia thí điểm phát triển thành các đơn vị kết nối trực tiếp với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Tính đến hiện tại đã có hàng chục doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư kỹ thuật đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã.
Theo quan sát của phóng viên TBNH, hiện nay trong tổng số 31 mô hình được các NHTM cấp vốn theo chính sách thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị (Nghị quyết 14/2014 của Chính phủ và Quyết định 1050/2014 của NHNN) thì hiện có hơn 10 mô hình đã được các doanh nghiệp đề xuất thành lập hợp tác xã. Một số hợp tác xã được thành lập trong các mô hình sản xuất liên kết như: hợp tác xã chăn nuôi bò sữa trong dự án của Tập đoàn TH (tại Nghệ An), hợp tác xã sản xuất hoa trong dự án của Công ty Trường Hoàng (tại Lâm Đồng)… đã phát triển khá mạnh với mô hình cổ phần thu hút hàng trăm hộ dân tham gia góp vốn và tài sản.
Do có sự hậu thuẫn từ phía doanh nghiệp liên kết, đồng thời nằm trong chuỗi cho vay khép kín được các NHTM đầu tư vốn nên hầu như các đơn vị kinh tế tập thể này luôn có được dòng tiền kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy nếu được nhân rộng trên phạm vi cả nước thì việc phát triển các hợp tác xã kiểu mới dựa trên các mô hình liên kết chuỗi của các doanh nghiệp, sẽ tạo thành một kênh dẫn vốn hiệu quả đối với các đơn vị kinh tế tập thể vốn từ trước đến nay luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các TCTD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines