Thị trường

Chuối tiến vua góp phần phát triển kinh tế

(DNVN) - Làng Nhân Hậu (xưa có tên là Đại Hoàng), thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một làng quê nhỏ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh việc làm đồng áng, người dân ở đây đang phát huy lợi thế của giống chuối xưa kia từng được dùng tiến vua để phát triển kinh tế.

Chuối tiến vua góp phần phát triển kinh tế.

Tích xưa kể rằng, vào thời Vua Trần, hàng năm cứ vào dịp cuối năm, nhà vua lại cùng văn võ bá quan cờ giong trống mở, ngự thuyền rồng, xuôi từ kinh đô Thăng Long về phủ Thiên Trường để yết kiến Thái Thượng Hoàng. Lần nọ đến ngã sông, thuyền dừng lại nghỉ chân. Dân làng mang của ngon, vật lạ tiến dâng lên vua. Cặp vợ chồng nông dân nghèo trong làng Đại Hoàng cũng muốn dâng vua nhưng do quá nghèo không có gì đáng giá. May thay, tại bờ ao vườn nhà có buồng chuối ngự nhỏ vừa chín tới thơm ngát. Vợ chồng bèn chặt đem dâng vua. Nhà vua nếm thử thấy ngon ngọt lạ thường, bèn ban thưởng cho vợ chồng nọ và truyền dân làng Đại Hoàng trồng thêm thật nhiều giống chuối này để thiên hạ cùng thưởng thức. Từ đó, hàng năm làng Đại Hoàng đều đem chuối ngự dâng lên triều đình và đặt tên là chuối tiến vua.

Theo các cụ cao niên trong xã Hòa Hậu, chuối ngự Đại Hoàng đã được trồng tại đây từ nhiều trăm năm trước, và cũng từng được đem vào tiến vua Tự Đức ở cung đình Huế. Đặc biệt, theo lịch sử Đảng bộ xã Hòa Hậu, năm 1960, chuối ngự Đại Hoàng đã được cụ Trần Đình Văn, lúc đó là bí thư Đảng ủy cùng đoàn đại biểu xã Nhân Hậu đem biếu Bác Hồ trong chuyến đi thăm Bác. Khi đoàn đại biểu ra về, Bác dặn: “Đây là sản vật quý của làng, xã nên cần được lưu giữ và nhân rộng thêm” . 

Quan sát kỹ loại chuối Đại Hoàng, ta thấy nải chuối như bông hoa xòe cánh trông rất đẹp, quả nhỏ hơn các loại chuối khác, khi chín chuối có màu vàng óng, vỏ chuối mỏng, ruột vàng, có vị ngọt đậm mà thanh. Chuối tiến vua Đại Hoàng có hai loại là chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự mít quả nhỏ và ăn thơm ngon hơn, ruột vàng như múi mít và khi chín vỏ có những chấm nâu lốm đốm (vì vậy còn được gọi là chuối ngự tía). Để có chuối chín thơm ngon, bên cạnh việc chăm sóc, việc dấm chuối cũng rất quan trọng. Nhà ai có vườn chuối lớn thì phải xây vài lò dấm chuối bằng đất, tạo nhiệt độ cho chuối chín đều tự nhiên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng, cũng là một người trồng chuối lâu năm cho biết: nhận thức được loại chuối ngự Đại Hoàng là đặc sản của quê hương có giá trị kinh tế cao, địa phương đã khuyến khích người dân tích cực nhân rộng diện tích,  đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Do đó, diện tích chuối tiến vua những năm qua ở Lý Nhân nói riêng và cả tỉnh Hà Nam nói chung đã phát triển khá mạnh cả về diện tích, quy mô và sản lượng. Năm 2005 diện tích chuối ngự Đại Hoàng trong toàn tỉnh Hà Nam mới có khoảng 20,7 ha, với sản lượng khoảng 320 tấn. Năm 2011, diện tích chuối đã tăng lên 150 ha (riêng huyện Lý Nhân là 100 ha) với sản lượng trên 2.300 tấn/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2007, huyện Lý Nhân được dự án GEF/SGP thuộc Quỹ môi trường toàn cầu (UNDF) tài trợ  để phát triển vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu, quảng bá chuối ngự Đại Hoàng. Đầu năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN đã có Quyết định cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng cho sản phẩm chuối ngự tiến vua. Trung tâm sách kỷ lục và Trung tâm sách Top Việt Nam ngày 7/8/2012 đã công bố 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, trong đó có chuối ngự Đại Hoàng.

Theo một gia đình hộ trồng chuối làng Đại Hoàng, cây chuối ở đây được chăm sóc khá kỹ, phải bón phân bằng bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chứ không ưa các loại phân uế tạp. Khoảng 6 tháng chuối cho thu hoạch một vụ. Giá bán ra tại vườn trung bình khoảng 60 đến 70 nghìn đồng/nải. Cây chuối đã góp phần đáng kể trong thu nhập của người dân nới đây. Về phân bố, chuối ngự không chỉ được trồng ở huyện Lý Nhân mà còn được trồng dọc lưu vực sông Châu của Hà Nam và một số địa phương trong tỉnh, tuy nhiên ngon nhất vẫn là chuối được trồng ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu.  

 

Bài và ảnh: Đào Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo