Quốc tế

Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba

Hôm qua, lịch sử Mỹ - Cuba tiếp tục sang một trang mới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (SotA) ở Panama.

 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tối 10-4 - Ảnh: Reuters

 

Theo báo New York Times, trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và các nhà lãnh đạo quốc gia khu vực Mỹ Latin, ông Obama và ông Castro đã bắt tay và trao đổi ngắn trước khi an tọa ở trung tâm hội nghị Panama City.
 
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Cuba có mặt trong lịch sử 21 năm của SotA. “Sự hiện diện của Chủ tịch Cuba Raul Castro là mong mỏi từ lâu nay của rất nhiều quốc gia trong khu vực” - Tổng thư ký Ban Ki Moon nhấn mạnh.
 
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng mô tả việc Cuba có mặt tại SotA là “thành tựu lớn nhất của Mỹ Latin và vùng Caribê”. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đánh giá nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba đang giúp chữa lành “vết phỏng” làm tổn thương châu Mỹ.
 
 
Vấn đề khẩn cấp
 
Phó cố vấn an ninh Mỹ Ben Rhodes tiết lộ ông Obama và ông Castro chỉ nói chuyện xã giao lúc bắt tay nhau. Hai nhà lãnh đạo chỉ đối thoại một cách thực chất trong cuộc hội kiến lịch sử diễn ra sau đó.
 
Ông Rhodes cho biết ông Obama và ông Castro thảo luận về việc mở lại đại sứ quán hai nước ở Washington và Havana, các biện pháp tăng cường thương mại và du lịch giữa hai nước, cũng như các “khác biệt” còn tồn đọng.
 
Trên thực tế, hôm 8-4 hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi qua điện thoại. Trước lễ khai mạc SotA, ông Obama khẳng định một “chương mới” trong quan hệ hai nước đã mở ra.
 
Nhưng ông nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn còn bất đồng về rất nhiều vấn đề, giống như chúng tôi bất đồng với các nước châu Mỹ khác và thậm chí với cả những đồng minh thân cận nhất”.
 
Một trong những vấn đề khẩn cấp nhất là việc Cuba vẫn đang nằm trong danh sách các nước tài trợ khủng bố của Mỹ.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề nghị đưa Cuba ra khỏi danh sách này. Phó cố vấn Rhodes cho biết trong cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez hôm 9-4, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề này.
 
Dù vậy, nguồn tin từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết ông Obama đã đồng ý với đề xuất của Bộ Ngoại giao. Ông Rhodes cũng cho biết không loại trừ khả năng Tổng thống Obama sẽ đưa ra một tuyên bố về vấn đề này ở SotA.
 
Sau khi ông Obama ra lệnh đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để quyết định có bác bỏ quyết định của tổng thống Mỹ hay không.
 
Chấm dứt can thiệp
 
Trước thềm SotA, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ đã chấm dứt can thiệp vào nội bộ các nước Mỹ Latin. “Những tháng ngày mà Mỹ có thể can thiệp một cách tự do tại bán cầu này đã đi vào quá khứ” - ông Obama nhấn mạnh.
 
Lịch sử quan hệ Mỹ và Cuba - AFP
 
Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, Washington đã can thiệp vào công việc nội bộ các nước khu vực, hỗ trợ các cuộc đảo chính lật đổ một số chính phủ dân bầu, và gây ảnh hưởng lên các nền kinh tế khu vực thông qua các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB).
 
Nhưng trong một thập kỷ qua, các nước Mỹ Latin ngày càng thể hiện rõ sự độc lập về ngoại giao và kinh tế với Mỹ, nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng vay và nhận viện trợ từ các nguồn mới như Trung Quốc.
 
“Giờ đây, chúng tôi tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia chúng ta” - tổng thống Mỹ quả quyết.
 
Dù vậy, ông Obama vẫn kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực tôn trọng và theo đuổi các nguyên tắc dân chủ cũng như thị trường tự do.
 
Tôi tin rằng thị trường tự do là cỗ máy sản xuất của cải vĩ đại nhất và là công thức thành công cho các nước” - ông Obama nói.
 
Tuy nhiên, trong lúc quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện thì quan hệ Mỹ - Venezuela tiếp tục xấu đi sau khi Washington công bố các biện pháp cấm vận một số quan chức Venezuela vì trấn áp phe đối lập.
 
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã mang theo một bản kiến nghị với chữ ký của 13,4 triệu người Venezuela để kêu gọi ông Obama hủy bỏ lệnh cấm vận này. Dẫu vậy, Washington cũng đã tìm cách giảm căng thẳng khi cử đại diện ngoại giao đến Caracas để thảo luận với ông Maduro trước đó.
 
 

 "Chính sách của Mỹ thay vì cô lập Cuba đã cô lập chính nước Mỹ ngay ở khu vực sân sau của chúng tôi"

Phó cố vấn an ninh Mỹ BEN RHODES

 Rào cản lớn nhất

 
Giới quan sát nhận định cản trở lớn nhất đối với việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ hoàn toàn vẫn là các biện pháp cấm vận kinh tế mà Washington áp đặt lên Havana từ nửa thế kỷ qua.
 
Chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Trong thời gian qua, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã phản ứng lại lời kêu gọi của ông Obama.
Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo