Xã hội

Chụp chân dung khi đăng ký thuê bao: Luật sư nói gì?

Hình ảnh là thông tin mang tính riêng tư, bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ trong khi việc đăng ký thuê bao chỉ là hợp đồng dịch vụ.

Theo quy định của Nghị định 49, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (24/4/2018), doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát các thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ của mình, theo tin tức trên báo Tiền phong.

Với thuê bao đăng ký thông tin không chính xác sẽ phải thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao gồm số thuê bao, hình thức thanh toán, họ và tên nhân viên giao dịch, các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng…

Theo nghị định 49/2017, các chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ - Ảnh: HỮU THUẬN/Tuổi trẻ.

Đối với các thuê bao di động mà doanh nghiệp viễn thông đã đăng ký chính xác thì doanh nghiệp phải bổ sung ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, với các trường hợp này, dù có ảnh trong chứng minh thư nhân dân đã đăng ký trước đây cũng phải bổ sung ảnh mới. 

Trong trường hợp đã đăng ký đầy đủ thông tin thuê bao gồm cả ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao đầu tiên thì khi đăng ký thêm thuê bao khác vẫn phải chụp lại ảnh.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), có thể nói đây lại là một quy định mang tính hình thức và rất khó để tuân thủ trong thực tế, báo Tuổi trẻ đưa tin.

Luật sư Truyền phân tích: Thứ nhất, việc xác định chủ sở hữu thuê bao di động hiện hành là dựa vào các thông tin trên chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu (đối với cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập… (đối với tổ chức).

 

Chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu khi đăng ký thuê bao di động đã phải xuất trình bản chính chứng minh nhân dân, căn cước hay hộ chiếu và nộp bản sao để nhà mạng lưu trữ. Trên các giấy tờ này đều đã thể hiện hình ảnh của các cá nhân này rồi. Việc chụp ảnh trực tiếp liệu có thật cần thiết?.

Thứ hai, việc tuân thủ quy định này sẽ gây ra sự phiền toái cũng như lãng phí rất lớn. Bản chất quan hệ pháp lý trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng giữa một bên là người dùng dụng dịch vụ và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Mối quan hệ này là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.

Vì vậy, ngoài thông tin về nhân thân cần thiết của chủ thể khi giao kết hợp đồng trên thì việc có cần thêm những thông tin riêng tư khác (như hình ảnh cá nhân) hay không phải hoàn toàn dựa vào ý chí của các cá nhân đó, điều này được hiến pháp và pháp luật quy định. 

Đồng tình với luật sư Truyền, giảng viên Nguyễn Việt Khoa - Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc buộc người giao kết hợp đồng thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh theo điểm đ, khoản 5, điều 1 nghị định 49/2017 là vi phạm điều 21 của Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân. 

Hình ảnh là bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ và công dân chỉ có nghĩa vụ cung cấp trong một số trường hợp theo luật định. 

 

Nên đọc
Hiền Minh (Tổng hợp theo báo Tiền phong, Tuổi trẻ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo