Chuyện chưa kể về vụ bắt cóc trẻ em xôn xao cả nước
Đổi tên con để khắc ghi ơn sâu
Vụ bắt cóc trẻ em tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã xảy ra cách đây gần 4 năm nhưng đến nay vẫn khiến dư luận không khỏi ám ảnh và rùng mình. Đây được xem là vụ án hy hữu trong lịch sử ngành y, là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn bắt cóc trẻ em lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Cháu bé bị bắt cóc mới 2 ngày tuổi.
4 năm, câu chuyện tưởng như đã lui vào quá khứ bỗng trở lại sống động đến nghẹt thở với những góc khuất chưa từng tiết lộ qua lời kể của thiếu tá Phạm Hồng Quân - một trong những chiến sĩ công an trực tiếp tham gia vụ án này nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam.
Vụ án xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 3/11/2011. Sau 2 ngày sinh, con trai Phạm Văn Trường của sản phụ Trần Thị Thơm (SN 1977, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã bị một người phụ nữ mặc báo blouse trắng, bịt khẩu trang đưa đi xét nghiệm rồi một đi không trở lại.
Nhận được tin, Công an TP.Hà Nội lập tức vào cuộc. Thiếu tá Quân cho biết, thời điểm đó lực lượng điều tra đứng trước sức ép rất lớn từ dư luận. Nếu cháu bé có mệnh hệ gì thì sức ép không chỉ trút xuống công an mà còn ảnh hưởng đến uy tín ngành y, gây bất ổn an ninh trật tự và hoang mang cho các sản phụ.
Theo thiếu tá Quân, đây là một vụ án khó. Cháu bé bị bắt cóc mới 2 ngày tuổi, đặc điểm nhận dạng không rõ ràng. Đối tượng mặc áo blouse trắng, đeo khẩu trang nên cũng không có nhận dạng. Gần 100 trăm trinh sát được tỏa đi khắp nơi để tìm manh mối. "Chúng tôi được lệnh phải phá án trong thời gian ngắn nhất. Mọi người quyết tâm rất cao, bằng mọi cách phải cứu được cháu bé. Khi ấy, tất cả chiến sĩ không phải làm việc theo tâm thế của chiến sĩ công an nữa mà với tư cách như người chú, người bác tìm cháu bé cho gia đình", thiếu tá Quân nhớ lại.
2 ngày trôi qua, mọi ngả điều tra vẫn dừng lại ở con số 0. Ban chuyên án quyết định phát thông báo trên VOVGT. Hàng trăm thông tin của xe ôm, tài xế taxi đã được kiểm tra, 6 em bé nghi con của sản phụ Thơm đã được tiếp cận nhưng cuối cùng đều không phải bé Phạm Văn Trường.
Vụ án đã tưởng đi vào ngõ cụt, mọi tìm kiếm đều vô vọng thì bất ngờ sáng 8/11, ban chuyên án nhận được thông tin của tài xế taxi Nguyễn Xuân Việt cung cấp hôm xảy ra sự việc có chở một phụ nữ bế theo con nhỏ từ Ô Cách, quận Long Biên về Bắc Giang. Lần theo manh mối, chiều cùng ngày, lực lượng trinh sát đã bắt được Vũ Thị Lệ (SN 1982) tại nhà chồng ở Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội và trao trả cháu Phạm Văn Trường cho gia đình vào lúc16h30.
“Tôi nhớ như in giây phút trao trả cháu bé, không chỉ gia đình vỡ òa mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy vui mừng khôn tả", thiếu tá Quân rưng rưng kể. Bất ngờ lớn nhất, ngay sau chia sẻ của thiếu tá Quân, bố và ông nội bất ngờ bế cháu Phạm Văn Trường xuất hiện trên sân khấu, nay đã 4 tuổi.
Cuộc gặp gỡ không hẹn trước vỡ òa trong hạnh phúc. Anh Phạm Xuân Chiều (bố cháu Trường) đã ôm chặt thiếu tá Quân thay lời cảm ơn sâu nặng tự đáy lòng tới các chiến sĩ công an đã hết lòng giành lại cháu bé. Sau ngày trở về, gia đình đã quyết định đổi tên cháu bé thành Phạm Trường Hà, chữ Hà trong Hà Nội, để khắc ghi ý nghĩa đặc biệt gắn với lực lượng Công an Hà Nội.
2 chiến sỹ trẻ đỡ đẻ giữa đường
Là 2 thanh niên trẻ chưa ai có gia đình, câu chuyện làm "bà đỡ" bất đắc dĩ giữa đường cho sản phụ Hoàng Thị Phương của thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp và thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng (Đội CSHS, Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội) khiến nhiều người thực sự xúc động.
Giữa 4h sáng dông gió ngày 22/6 vừa qua, 2 chiến sĩ trẻ đi tuần tra như thường lệ. Đúng lúc sấm chớp ầm ầm, cả 2 phát hiện một phụ nữ chở theo sản phụ phía sau đang ôm bụng kêu đau.
Dừng xe lại, 2 chiến sĩ đỡ chị Phương xuống đường, gọi taxi nhưng xe chưa kịp tới thì các cơn đau của chị Phương dồn dập ập đến. Vội vã, 2 chiến sĩ trải áo mưa xuống đường rồi tiến hành ca đỡ đẻ có một không hai. Nhớ lại lúc đỡ đẻ, 2 chiến sĩ vẫn không giấu nổi vẻ ngượng ngùng. Cả 2 chia sẻ mộc mạc rằng chưa bao giờ nghĩ tới sẽ thành "bà đỡ". Nhưng lúc đó không nghĩ được gì, chỉ muốn làm sao nhanh nhất giúp chị Phương mẹ tròn con vuông.
Lúc đỡ đẻ xong, không thấy xung quanh có bất kỳ chăn hay quần áo gì để ủ ấm, thiếu úy Tiệp đã cởi áo mình đang mặc cho cháu bé rồi đưa 2 mẹ con sản phụ lên taxi vào bệnh viện. 2 chiến sĩ trẻ rời viện cũng là lúc trời mưa sầm sập.
Như một món quà bất ngờ cho 2 chiến sĩ trẻ, chị Phương đã bế theo đứa trẻ kháu khỉnh xuất hiện trong chương trình với niềm hạnh phúc khôn tả."Đây sẽ là một kỷ niệm đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết cảm ơn hai chiến sĩ Tiệp và Tùng, cảm ơn lực lượng công an nhân dân đã đào tạo ra những cán bộ tốt như thế”, chị Phương xúc động chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo