Pháp luật

Chuyện đau lòng từ tai nạn giao thông

Dự nhiều phiên tòa xét xử những bị cáo về tội danh “vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ” mà cảm thấy đau lòng.

 

Bởi đằng sau những tai nạn đó là những cái chết thảm khốc, nhiều đứa trẻ không thể tiếp tục đến trường... Còn người gây ra tai nạn cũng lâm vào cảnh khốn đốn, vừa ngồi tù vừa bán đất, bán vườn để bồi thường...

 

Sau khi uống rượu, Nguyễn Đức Phương chở Đoàn Hoàng Phúc đi uống cà phê. Do say rượu lại chạy quá tốc độ nên khi đến cua dốc cầu, Phương không làm chủ tay lái khiến xe lao sang lề bên trái đụng vào cọc tiêu bêtông, hất tung cả hai xuống đường.

 

Tai nạn khiến Phúc tử vong, còn Phương tuy may mắn thoát chết nhưng trở thành bị cáo với mức án sơ thẩm 2 năm 6 tháng tù về tội “vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ”. Sau đó Phương làm đơn kháng cáo xin giảm án. Phía bên nạn nhân cũng làm đơn xin giảm án cho Phương.

 

Hối hận

 

Ngày 29-10-2014, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án trên.

 

Tại tòa, bị cáo 18 tuổi này thỉnh thoảng đưa tay chùi nước mắt khi trình bày: Cảnh nhà neo đơn. Cha chết. Mẹ bệnh. Giờ chỉ còn mình bị cáo nên xin giảm án để sớm về lo chuyện đồng ruộng và chăm sóc mẹ.

 

Kiểm sát viên bác bỏ, bị cáo lái xe chẳng những không có giấy phép mà còn uống rượu, chạy quá tốc độ. Án sơ thẩm tuyên như vậy là đã quá nhẹ rồi, không có tình tiết gì mới để giảm nhẹ cho bị cáo.

 

Bị cáo Phương nghẹn giọng khi nói rằng mức án như vậy là phù hợp nhưng giờ mẹ già chỉ có mình ên. Mẹ hay bị động kinh, sợ mẹ có chuyện gì xoay xở ra sao nên mới kháng cáo xin giảm án.

 

Nói đến đây, bị cáo khóc nức: “Bị cáo hối hận lắm vì đã gây ra cái chết cho bạn thân. Đêm bị cáo ngủ không được. Hễ cứ nhắm mắt là thấy cái chết của bạn và hình ảnh người mẹ khóc sướt mướt bên quan tài của con. Giá như hôm đó bị cáo đừng điều khiển xe trong tình trạng say rượu thì tai nạn đâu có xảy ra...”.

 

Sau khi xem xét, hội đồng xét xử đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 2 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Phương...

 

Tương tự, cũng say rượu mà Ngô Văn Nhã, 40 tuổi, đã gây ra tai nạn thảm khốc. Sau khi đi ăn tiệc nhà hàng xóm, Nhã điều khiển xe máy chở vợ đi công chuyện. Khi chuyển hướng băng qua lộ, do không quan sát và lại uống rượu nên Nhã không điều khiển được tay lái, đụng vào xe của anh Huỳnh Ngọc Phong.

 

Hậu quả đã khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Án sơ thẩm đã tuyên Nhã 18 tháng tù về tội “vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ”. Bị cáo làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Đại diện bị hại cũng kháng cáo xin giảm án cho Nhã.

 

Trong phiên phúc thẩm tại TAND TP Cần Thơ, Nhã trình bày sau vụ đụng xe, bản thân bị cáo cũng bị sang chấn não, hằng tháng phải lên TP điều trị rất tốn kém. Nhà có vài công ruộng, hoàn cảnh khó khăn, nhưng bị cáo cũng gắng vay mượn tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân, tổng cộng trên cả trăm triệu đồng.

 

Tiền bồi thường cộng thêm chi phí hằng tháng phải lên Sài Gòn chữa trị vết thương ở não đã đẩy gia đình bị cáo vào cảnh nợ giăng tứ phía.

 

Giọng bị cáo buồn bã: “Bị cáo hối hận lắm rồi. Giờ ra đường khi thấy bảng panô “Lái xe khi say rượu là tội ác” là bị cáo lạnh cả người”. Chẳng những bị cáo có lỗi với gia đình nạn nhân mà còn có lỗi với người thân của mình. Bị cáo là lao động chính trong gia đình. Mong tòa cho hưởng án treo để lo làm mướn làm thuê trả nợ...”.

 

Hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo. Phiên tòa kết thúc. Phạm nhân cúi đầu lầm lũi bước, lưng cong xuống như đang mang vác vật gì đó rất nặng...


Nỗi đau góa bụa

 

Nhắc đến anh Huỳnh Ngọc Phong là gia đình anh khóc sướt mướt. Chị Nguyễn Thị Kim Biển - 34 tuổi, vợ anh Phong - kể anh Phong làm nghề tiếp thị, còn chị hái nấm thuê. Vợ chồng chắt chiu từng đồng cố lo hai con ăn học.

 

Tuy vất vả nhưng gia đình chị rất hạnh phúc. Nhưng rồi tất cả đều biến mất trong cái ngày định mệnh khi chồng chị bị xe đụng chết. Thấy bị cáo Nhã hối hận và thấy tình cảnh Nhã cũng khó khăn nên gia đình chị làm đơn bãi nại cho bị cáo nhẹ tội, nhưng trái tim người góa phụ cứ nhói lên khi thấy hai con phải đeo mảnh tang trên áo.

 

Chồng mất, trụ cột chính không còn, dù cố hết sức nhưng chị không lo nổi cho hai con đang tuổi ăn tuổi học. Đứa lớn học lớp 10 và đứa nhỏ học mẫu giáo. Thương hai đứa cháu côi cút, cha mẹ chồng tuổi đã hơn 70 phải ráng gồng người chăm sóc hai công vườn phụ ít tiền giúp con dâu nuôi hai cháu nhỏ.

 

Ông Huỳnh Ngọc Thủy - cha chồng chị Biển - bộc bạch nỗi mất mát này quá lớn, cho dù bị cáo có khắc phục cách mấy cũng không cứu con ông sống trở lại được.

 

Ông tâm sự: “Tôi giờ đã bước sang tuổi thất thập, không biết lo cho cháu được bao lâu. Tôi nghĩ phải phạt hình sự những người say rượu nhưng vẫn điều khiển xe, có như vậy họ mới sợ, chứ phạt hành chính thì thảm cảnh cha mất con, vợ mất chồng, con mất cha giống như gia đình chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục xảy ra với bao gia đình khác...”.

 

“Nếu ai uống rượu mà lái xe thì phạt tù...”

 

Cái chết còn quá trẻ của em học sinh lớp 11 tên Đoàn Hoàng Phúc khiến tôi tìm đến gặp gia đình nạn nhân. Hôm tôi đến, bà Trần Thị Lan - 55 tuổi, mẹ của Phúc - đang nằm trên võng với nỗi buồn phong kín cả mặt.

 

Nghe nhắc đến con, bà ràn rụa nước mắt. Bà kể bà có ba người con, Phúc là con út và là con trai độc nhất. Từ ngày con mất, bà ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn.

 

Nỗi nhớ niềm thương khiến bà nhìn đâu cũng thấy hình bóng con đang dệt tương lai: thấy con ngồi học đêm khuya, thấy con mỗi sớm mai đều tập thể dục để rèn luyện sức khỏe bởi con ước mơ sau này sẽ thi vào ngành công an. Nhưng ước mơ trên vĩnh viễn ngưng lại ở tuổi 17 đang căng tràn nhựa sống...

 

Bà Lan làm đơn bãi nại cho bị cáo và không lấy bị cáo một đồng tiền bồi thường tổn thất nào. Làm mẹ nên bà hiểu nỗi đau của người mẹ. Nếu bà bãi nại, mẹ bị cáo sẽ có thể bớt được một thời gian với nỗi đau đáu dằn vặt rời xa con. Với lại hoàn cảnh bên kia rất neo đơn.

 

Tuy nhiên nỗi đau mất con cứ âm ỉ xoáy trong tim. Giọng bà buồn rười rượi: “Con người ta ở trong song sắt rồi cũng ra tù, người ta cũng được ôm ấp con vào lòng, còn dì nhớ con chỉ biết ôm mộ đá”.

 

Rồi bà bật khóc, giọng sũng ướt: “Cháu ơi! Cháu viết như thế nào để người ta khi say đừng lái xe. Ai uống rượu mà lái xe thì phạt tù, chứ đừng phạt tiền. Lần đầu vi phạm thì phạt ở tù một tháng, lần sau ở tù vài tháng... Có như vậy mới đủ sức răn đe, ngăn chặn được những cái chết oan ức xảy ra”.

 

Bà Dương Thu Hà - phó chánh án TAND TP Cần Thơ - tâm sự: “Hầu như tháng nào tòa cũng xử án tai nạn giao thông, chứng kiến những cảnh thương tâm ai cũng đau lòng. Các bị cáo đều tột cùng hối hận, tìm cách khắc phục hậu quả nhưng đã muộn. Tai nạn giao thông là điều không ai muốn, nhưng thảm họa này có thể tránh được, tính mạng bao người có thể cứu được nếu như ai cũng tuân thủ Luật giao thông, khi điều khiển xe không nên dùng rượu bia hoặc phóng nhanh hay vượt ẩu...”.
Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo