An ninh mạng

Doanh nghiệp "đau đầu" tìm cách phòng vệ trước các mối đe dọa bảo mật

DNVN - Theo Báo cáo Kết quả Bảo mật được Cisco công bố tháng 12/2022, khả năng phục hồi an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ mình trước những mối đe doạ bảo mật đang gia tăng nhanh chóng.

Ba loại hình tấn công mạng khiến các doanh nghiệp, tổ chức lo ngại / Phần mềm độc hại và email lừa đảo ồ ạt tấn công các tổ chức

Theo Cisco, khả năng phục hồi đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi có tới 63% các tổ chức được khảo sát cho biết họ đã đối mặt với một sự cố an ninh mạng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong hai năm qua. Những loại hình tấn công phổ biến là DDoS - tấn công từ chối dịch vụ phân tán (71%), data breach – rò rỉ dữ liệu (64%), mất mạng hoặc hệ thống ngừng hoạt động (55%) và ransomware – phần mềm tống tiền (52%).

Những sự cố trên đều dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với các công ty không may trở thành “nạn nhân”, kéo theo đó là cả một hệ sinh thái của các tổ chức mà họ hợp tác kinh doanh. Các hậu quả phổ biến nhất bao gồm gián đoạn CNTT/liên lạc, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất lợi thế cạnh tranh cũng như chi phí ứng phó và phục hồi lớn.

Các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm thiểu tổn thất tài chính do các sự cố an ninh mạng gây ra.

Với mức độ rủi ro cao như vậy, không có gì ngạc nhiên khi 97% giám đốc điều hành được khảo sát chia sẻ rằng khả năng phục hồi an ninh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với họ. Những kết quả trong bản báo cáo cũng nhấn mạnh thêm rằng các mục tiêu chính của khả năng phục hồi bảo mật đối với các nhà lãnh đạo và nhóm của họ là giảm thiểu tổn thất tài chính do các sự cố an ninh mạng gây ra, đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh trước những sự cố gián đoạn dịch vụ và ngăn chặn các sự cố và tổn thất lớn về an ninh bảo mật.

Bà Helen Patton, Giám đốc An ninh thông tin, nhóm Bảo mật Doanh nghiệp Cisco cho biết: “Công nghệ đang biến đổi các doanh nghiệp ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy trước đây. Điều này đang tạo ra những cơ hội mới, song cũng mang đến những thách thức, đặc biệt là về bảo mật. Để có thể giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần có khả năng dự đoán, xác định và chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, và nếu có gặp phải sự cố thì cũng có thể nhanh chóng phục hồi từ đó. Đó là lý do chúng ta cần xây dựng khả năng phục hồi”.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh khả năng lãnh đạo, văn hóa công ty và nguồn nhân lực có tác động đáng kể đến khả năng phục hồi. Trên toàn thế giới, các tổ chức nhận được sự hỗ trợ an ninh yếu kém đạt điểm thấp hơn 39% so với những tổ chức có sự hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo.

Các doanh nghiệp có văn hoá bảo mật thông tin tốt đạt điểm số trung bình cao hơn 46% so với những doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đơn giản hóa trong quá trình chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm lưu trữ tại chỗ (on-premise) sang môi trường điện toán đám mây.

Trên phạm vi toàn cầu, các công ty triển khai mô hình Zero Trust hoàn thiện có điểm số về khả năng phục hồi cao hơn 30% so với những công ty không triển khai mô hình này. Các tổ chức với khả năng phát hiện và phản hồi mở rộng nâng cao có điểm số cao hơn 45% so với những tổ chức không có giải pháp phát hiện và phản hồi...


Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo