An ninh mạng

Dùng giải pháp nào để chống nguy cơ bị hack camera an ninh?

DNVN - Việt Nam đang triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia với các trụ cột chính là chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, giải pháp số. Trong cuộc dịch chuyển mạnh mẽ sang thế giới số, bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, giải pháp chống lộ lọt thông tin, hình ảnh riêng tư qua hệ thống camera an ninh đang được quan tâm.

Viettel là thành viên mới nhất của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu APWG / “OTT xuyên biên giới đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm luật pháp Việt Nam”

Camera an ninh đang là “mồi ngon” cho tin tặc

Hệ thống camera an ninh (camera IP) được nhiều người lựa chọn sử dụng để bảo đảm an toàn cho gia đình, trông coi người già, trẻ nhỏ, người giúp việc, nhưng thực tế lại là lỗ hổng để hacker lợi dụng chiếm đoạt thông tin vì những mục đích xấu. Từ thiết bị được coi là công cụ giúp chủ gia đình chống trộm, bảo vệ an toàn tài sản cá nhân, nay có nguy cơ trở thành “mồi ngon” cho rất nhiều kẻ phạm pháp xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí tống tiền khổ chủ.

Không chỉ được dùng trong gia đình, hầu hết các cửa hàng, doanh nghiệp, siêu thị, ngân hàng cũng sử dụng hệ thống camera giám sát để bảo đảm an toàn nhưng lại đang thiếu những giải pháp để chống hacker xâm nhập, bảo đảm an toàn dữ liệu cho hệ thống.

Tại Việt Nam thời gian qua, không ít vụ việc hình ảnh riêng tư bị tung lên mạng do bị hacker đánh cắp từ chính hệ thống camera an ninh tại nhà. Ví dụ, cuối tháng 12/2019, hàng loạt hình ảnh riêng tư ở nhà riêng của ca sĩ nổi tiếng bị một nhóm hacker tung lên mạng. Không chỉ có người nổi tiếng, mà rất nhiều nạn nhân khác cũng bị nhóm hacker này đe dọa tung hình ảnh riêng tư ở nhà, ở cửa hàng, quán karaoke do bị lọt lộ qua camera giám sát.

Trên cộng đồng mạng còn hình thành các nhóm chuyên hack camera IP, tin tặc hack các camera rồi đăng tải các clip lấy được làm “mồi nhử”, đồng thời dẫn link liên lạc và yêu cầu trả phí (150 USD) nếu muốn có thêm các hình ảnh và video khác. Chỉ với hai từ khoá hack camera, Google Tiếng Việt trả tới 298 triệu kết quả trong thời gian 0,38 giây. Các đường link hướng dẫn chi tiết cách thức hack camera đơn giản nhất. Có ít nhất 4.000 đường link là các clip tin tặc hack được từ hệ thống camera an ninh đang được rao bán.

Nhu cầu sử dụng camera giám sát trong triển khai chuyển đổi số ngày càng tăng.

Nhu cầu sử dụng camera giám sát trong triển khai chuyển đổi số ngày càng tăng đặt ra vấn đề cần có giải pháp để bảo đảm an toàn cho hệ thống camera giám sát.

Bùng nổ nhu cầu sử dụng thiết bị camera giám sát

Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng thị trường thiết bị camera an ninh lại đang bùng nổ mạnh mẽ do nhu cầu sử dụng trong triển khai các dự án chuyển đổi số tại nhiều cơ quan, tổ chức. Theo báo cáo của 6Wresearch, Việt Nam được đánh giá xếp hạng Top 1 thị trường hệ thống giám sát an ninh có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm của thiết bị này đạt 12,4% trong giai đoạn 2016 - 2022.

Còn theo dự báo của Research and Markets, doanh thu của thị trường thiết bị an ninh trên toàn cầu trong 3 năm tới có thể đạt tới con số 82 tỷ USD. Riêng với Việt Nam, sức tăng trưởng trong vài năm tới sẽ ở mức hai con số khi mà nhu cầu tiêu thụ luôn tăng cao ở nhiều lĩnh vực.

Nhu cầu lắp đặt camera an ninh để giám sát tại hệ thống các tòa nhà cao tầng, cao ốc văn phòng, nhà máy, hệ thống giao thông công cộng ngày càng tăng. Ngành bán lẻ cũng hứa hẹn tiêu thụ một lượng lớn nhu cầu về hệ thống an ninh, nhất là hệ thống giám sát lắp đặt tại trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Trước nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất camera đáp ứng nhu cầu của 26,8 triệu hộ gia đình, hàng triệu doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và xe ô tô trên 9 chỗ.

Theo Bộ TT&TT, hiện đã có 84 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó có 4 tập đoàn nhà nước, 54 công ty cổ phần và 26 công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, việc phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% cuối năm 2019, lên 50,8% vào tháng 6/2020.

“Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ giải pháp chống hack camera an ninh

Vậy câu hỏi đặt ra là người dùng Việt Nam cần phải sử dụng những giải pháp nào để chống lại nguy cơ bị lộ lọt thông tin từ camera. Theo các chuyên gia về bảo mật, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ mạng Internet, lựa chọn các camera của thương hiệu nổi tiếng, thường xuyên cập nhật bản vá lỗi của nhà sản xuất, tránh lắp camera quan sát tại các khu vực nhạy cảm, lựa chọn các giải pháp bảo mật dữ liệu camera uy tín.?

Bên cạnh đó, hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển được những giải pháp bảo mật Make in Vietnam đạt chuẩn toàn cầu, có thể đáp ứng được nhu cầu bảo mật hệ thống thông tin trên mạng, trong đó có hệ thống camera giám sát.

Vào ngày 16/10/2020, dự án bảo vệ bản quyền Sigma của Thudo Multimedia đã hoàn tất việc tích hợp các giải pháp bảo mật của Microsoft, Google và Apple cùng với Sigma DRM để trở thành 1 giải pháp bảo vệ bản quyền tổng hợp (tên thương mại là Sigma Multi-DRM).

Đây là giải pháp vừa đáp ứng được các yêu cầu bảo mật ở cấp độ hệ điều hành (Operating System) thường được các hãng sở hữu bản quyền có giá trị lớn như các hãng phim Hollywood, Giải bóng đá ngoại hạng Anh lựa chọn sử dụng…, và vừa đáp ứng được các yêu cầu bảo mật ở cấp độ ứng dụng của bên thứ ba. Việc Sigma Multi-DRM tham gia kiểm định lần 2 và vượt qua các yêu cầu bảo mật là sự kiện rất đáng tự hào khi một giải pháp công nghệ của Việt Nam đã vượt qua được những bài kiểm định gắt gao của một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thudo Multimedia, cùng với vai trò phổ quát hệt như Multi-DRM trong bảo vệ bản quyền nội dung cho các thiết bị có hệ điều hành, giải pháp Sigma DRM độc lập còn có một vai trò rất quan trọng trong bảo mật nội dung cho các thiết bị không có hệ điều hành, và số lượng các thiết bị này có xu hướng bùng nổ trong thời gian tới.

Ông Hân cho biết, ở lĩnh vực camera an ninh, hiện nay trung bình mỗi một gia đình có 1 camera, nhưng trong vài năm tới, cả nước sẽ có đến hàng trăm triệu thiết bị này và đây là lĩnh vực đầu tiên có nội dung cần phải bảo vệ. Việc lọt lộ các clip riêng tư trong thời gian gần đây chính là minh chứng cho việc bảo mật trong mảng này đang còn bị bỏ ngỏ.

Sigma Multi-DRM, ngoài nhiệm vụ cung cấp key để giải mã tín hiệu, còn phát phải phát triển kết hợp 1 cụm các giải pháp bảo vệ nội dung bao gồm chống ghi ra cổng thiết bị (HDCP), hay phát hiện và ngăn chặn nguồn phát tán nội dung (Finger Print Online), để tạo thành 1 giải pháp tổng thể vừa bảo vệ nội dung, vừa chống phát tán nội dung vi phạm. Cho đến thời điểm hiện tại, Thudo Multimedia là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát triển thành công cụm giải pháp này. Việc Việt Nam có được giải pháp bảo vệ bản quyền số tạo cơ hội để các đơn vị sở hữu nội dung số của Việt Nam áp dụng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet đang diễn ra một cách nhức nhối từ nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, phát triển giải pháp Sigma Multi-DRM điều đầu tiên Thudo Multimedia muốn hướng đến các nội dung truyền hình có bản quyền, thứ hai là lĩnh vực xuất bản điện tử. Bởi nếu các tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, các tác phẩm sáng tạo có giá trị nói chung sẽ không phát triển được trên nền tảng số nếu không có giải pháp để bảo vệ được bản quyền. Ngoài ra, Sigma Multi-DRM còn là giải pháp để bảo mật cho các dữ liệu riêng tư cho hệ thống camera an ninh dân dụng và trong các giải pháp điều hành thành phố thông minh.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm