"Siết" quản lý Fintech nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển: Giải pháp nào?
DNVN - Sự phát triển nhanh chóng của Fintech khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn, thách thức trong giám sát nguy cơ liên quan rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin...
Hợp đồng điện tử: Từ hành lang pháp lý tới thực thi / Quản lý kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử gặp khó
Ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ Fintech
Tại diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 8/12, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể thời gian qua.
Fintech là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản... nhằm mang tới cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Thị trường Fintech thực sự bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, việc tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021.
Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
Xuất phát từ thực tiễn phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển "Chính phủ và nền kinh tế số".
Thách thức, rủi ro với ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân... Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về thách thức này, TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của Fintech thời gian qua chắc chắn là thách thức với các ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng có lịch sử, và thương hiệu lâu năm có mạng lưới hoạt động rộng lớn lợi thế về số liệu và dữ liệu lớn của khách hàng, và có đủ tài chính, kinh nghiệm hoạt động nhưng ngân hàng luôn có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech.
Sự xuất hiện của các công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro về thị phần, về lợi nhuận và sự tăng cường hoạt động của Fintech dẫn đến sự gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên tham gia thị trường, ngân hàng, các công ty Fintech và các thành phần khác.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam.
Các cơ sở dữ liệu và hạ tầng của thị trường dẫn đến gia tăng rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech khi cho vay ngang hàng, mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu, người dùng qua giao diện lập trình, ứng dụng... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể.
Hàng loạt các app cho vay tiền trực tuyến được thực hiện công khai với những lời mời chào hết sức hấp dẫn kèm với thủ tục cho vay rất đơn giản nhằm lôi kéo người vay với lãi suất cho vay lên tới 2.000%/năm.
Cùng đó, các ngân hàng gặp phải những gian lận phổ biến như đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ, tài khoản của ngân hàng điện tử, lừa đảo khách hàng...
Do đó, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ngân hàng và các công ty Fintech cần thực hiện các giải pháp nào, cơ quan chức năng cần hỗ trợ chính sách gì để quản trị rủi ro, bảm đảm an toàn tài chính, thúc đẩy hệ thống Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam là bài toán quan trọng cần giải quyết.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo