Kinh tế số

5G có mang lại giá trị cho người dùng hay chỉ là cuộc đua của nhà mạng?

DNVN - Cuộc đua 5G là điều được nhiều người nhắc đến nhất trong những tháng đầu năm 2021, với những chiến dịch marketing mạnh mẽ của ba nhà mạng lớn nhất Viettel, MobiFone và VinaPhone. Với việc sớm ra mắt 5G, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc làm chủ thiết bị 5G, đó là một tín hiệu đáng mừng cho công nghệ Việt Nam.

Việt Nam nằm trong 10 nước có giá Internet di động rẻ nhất thế giới / Viettel tài trợ phòng Lab mạng di động 4G cho sinh viên để xóa bỏ khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn

Cuộc đua 5G nhằm mục tiêu khẳng định thương hiệu

Cuộc đua 5G là điều được nhiều người nhắc đến nhất trong những tháng đầu năm 2021, với những chiến dịch marketing mạnh mẽ của ba nhà mạng lớn nhất Viettel, MobiFone và VinaPhone. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc làm chủ thiết bị 5G, đó là một tín hiệu đáng mừng cho công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau cuộc đua về công nghệ, thương hiệu là nhiều điều mà người dùng chưa hề biết đến về việc tranh giành thị phần, thương hiệu và những ưu tiên khác.

Mạng 5G là công nghệ di động thế hệ thứ 5, tốc độ có thể nhanh gấp khoảng 10 lần so với mạng 4G. 5G là bước đột phá trong việc đưa vạn vật kết nối IoT (Internet of things), băng thông lớn gấp nhiều lần và kết nối với độ trễ thấp (các ứng dụng realtime). 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong đời sống của con người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực y tế thông minh là cấp cứu thông minh, giám sát sức khỏe từ xa, khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa; đối với giao thông là xe tự hành, điều khiển thông minh, đỗ xe thông minh, liên kết vận chuyển, người dùng cá nhân sẽ được sử dụng tương tác thực tế ảo, sử dụng các công nghệ AI…

Các nhóm ứng dụng trên 5G. (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện/Bộ TT&TT).

Các nhóm ứng dụng trên 5G. (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện/Bộ TT&TT).

Cuối tháng 1/2019, Việt Nam chính thức bắt đầu triển khai thử nghiệm miễn phí dịch vụ 5G khi Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà mạng đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel. Cùng năm đó, các nhà mạng MobiFone và VNPT cũng lần lượt được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm mạng 5G vào tháng 4 và tháng 6. Tháng 5/2019, Việt Nam chính thức ghi tên vào danh sách những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất, khi Viettel cùng Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.

Đầu năm 2020, trong khi trên thế giới có 46 nhà khai thác tại 24 thị trường đã triển khai mạng 5G thương mại tính đến 30/1/2020, theo ấn bản toàn cầu năm 2020 về Kinh tế di động của GSMA, thì Việt Nam đã chính thức kết nối cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên hạ tầng do Việt Nam sản xuất, cụ thể là Viettel. Tới tháng 11 và 12/2020, các nhà mạng Viettel, MobiFone và VNPT đã chính thức thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G trên quy mô rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Nhân dịp chính thức thành lập TP Thủ Đức vào ngày 31/12, hai nhà mạng Viettel và VNPT đã công bố phủ sóng 5G tại nơi được coi là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức. MobiFone cũng chính thức ra mắt dịch vụ 5G thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khó có thể bình dân hóa dịch vụ 5G

Việc có được quyền làm chủ đối với công nghệ 5G chắc chắn là một tín hiệu đáng mừng đối với Việt Nam, bởi đây sẽ là điều kiện cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với thế giới công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết người dùng tại Việt Nam không hiểu rõ bản chất thật sự của 5G và bị cuốn theo cuộc đua marketing thương hiệu và tranh giành người dùng của ba nhà mạng lớn.

Kể từ khi việc chuyển nhà mạng được giữ nguyên số điện thoại được áp dụng cho toàn bộ khách hàng thì cuộc đua tranh giành thuê bao trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Dù thủ tục chuyển đổi mạng cũng khá rườm rà, nhưng kể từ khi được cho phép, số lượng người đăng ký làm thủ tục chuyển mạng rất đông đảo. Khi được hỏi về lý do chuyển mạng di động, hầu hết lý do đều đến từ chi phí, các chương trình khuyến mãi, các tiện ích và chất lượng dịch vụ. Có lẽ những người ở thành phố lớn sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng nhưng nếu ở những vùng xa xôi hơn thì chất lượng phủ sóng của nhà mạng trở thành một yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, sau khi bị giới hạn khuyến mãi thì các nhà mạng cũng chuyển sang các hình thức khác, và ra đời nhiều sản phẩm khác, ví dụ như Viettel ra mắt Viettel Pay cho các dịch vụ thanh toán, liên kết tính điểm từ dịch vụ di động…

Trao đổi với anh Trần Hà – một chuyên gia ngành viễn thông anh cho biết “Thực tế hiện nay kể cả khi nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ 5G thì hầu hết các thiết bị đầu cuối cũng như cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng chưa thể sử dụng dịch vụ này. Người dùng cơ bản hiểu với 5G họ có thể xem phim nhanh hơn, download phim nhanh hơn nhưng thực tế thì không hẳn là như vậy. 5G có ý nghĩa lớn hơn trong việc chúng ta có thể tạo ra căn nhà thông minh (smart home), thành phố thông minh (smart city), những ứng dụng độ trễ thấp (realtime) như xe tự hành, khám chữa bệnh từ xa, điều khiển thông minh… nhưng điều này cần một nền tảng cơ sở hạ tầng phức tạp hơn nhiều lần và sẽ tốn nhiều chi phí cũng như thời gian. Một phần người dùng đang bị kéo theo chiến dịch marketing của các nhà mạng về 5G”.

Đối với thiết bị phổ biến nhất mà người dùng quan tâm khi nói tới 5G là điện thoại di động thì hiện nay cũng chỉ có một số dòng điện thoại đời mới nhất có thể kết nối với nhà mạng chủ yếu của Nokia, Huawei, Oppo, Xiaomi… trong khi đó những hãng phổ biến nhất như Samsung, Apple thì các nhà mạng vẫn còn trong thời gian đàm phán phối hợp để thử nghiệm. Cuộc đua băng tần và người dùng giữa các nhà mạng vẫn còn nhiều điều để trông đợi trong thời gian tới.

Trên thực tế, dù đã sớm ra mắt 5G, nhưng cuộc đua 5G cũng mới chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm công nghệ của các nhà mạng, còn trên thực tế để 5G trở thành phổ cập thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở mỗi nơi thử nghiệm, nhà mạng triển khai khoảng 100 trạm, điều này có nghĩa là vùng phủ sóng chỉ rất hẹp. Người dùng 5G ở cách xa vùng phủ sóng trong bán kính khoảng 500m thì có thể thu được sóng, ngoài ra thì rất chập chờn.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm