Kinh tế số

5G thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực

DNVN - 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Và Việt Nam đã có cách tiếp cận đúng đắn khi bắt đầu triển khai trước 5G từ các thành phố lớn và các khu vực công nghiệp, để đưa chuyển đổi số đến các cơ sở sản xuất.

Lần đầu Việt Nam có gian hàng Quốc gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế / Ngân hàng, viễn thông, cửa hàng xăng dầu hợp tác thúc đẩy nông dân dùng thanh toán điện tử

Thông tin này đã được các đại biểu nhấn mạnh tại diễn đàn "Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14/12.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nhưng nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định, nếu chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là con người, quy trình và công cụ, thì 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, 5G thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới, nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành và dịch vụ hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống. Nhiều chuyên gia nhận định, 5G sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, ước tính tạo ra 13,1 ngàn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035.
"Với những nền tảng thuận lợi cả về hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện và nhận thức của ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như người dân về tính thiết yếu của chuyển đổi số, 5G có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm tới, trở thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng", ông Minh nhấn mạnh.
Ông Denis Brunetti - Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, Việt Nam đã có cách tiếp cận đúng đắn khi bắt đầu triển khai trước 5G từ các thành phố lớn và các khu vực công nghiệp, để đưa chuyển đổi số đến các cơ sở sản xuất.
"Trong lĩnh vực công nghiệp, các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các ngành sản xuất, năng lượng, tiện ích, y tế và an ninh công cộng là những ngành có cơ hội tận dụng tốt nhất các lợi ích của 5G tại Việt Nam. Khả năng số hóa vô tuyến của doanh nghiệp thông qua 5G sẽ nâng cao đáng kể năng suất lao động và định nghĩa lại toàn bộ hệ sinh thái số hóa", ông Denis Brunetti đánh giá.
Tại Việt Nam, Ericsson sẽ làm việc với các đối tác, nhà phát triển ứng dụng và các chủ thể khác trong hệ sinh thái để hợp tác, đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cuối cũng như các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ericsson cam kết hỗ trợ Việt Nam phát huy hết tiềm năng kết nối với 5G.
Cũng theo Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, dữ liệu sẽ trở thành loại nhiên liệu mới đảm bảo hoạt động của động cơ tăng trưởng mới là Internet và nền kinh tế số. Trong thế giới mới này, 5G sẽ đóng vai trò hạ tầng quan trọng của quốc gia. 5G thực sự trở thành nền móng, là cơ sở, là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngành công nghiệp cũng như toàn xã hội. Không giống như những công nghệ thế hệ 4G và 3G trước đó, 5G hướng tới phục vụ cả khách hàng doanh nghiệp và công nghiệp cũng như chuyển đổi số của người tiêu dùng.

Theo ông Denis Brunetti - Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, 5G sẽ đóng vai trò hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Theo ông Denis Brunetti, nhờ chuyển đổi số, tất cả các ngành công nghiệp sẽ phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, có năng suất cao và thịnh vượng hơn nhờ chuyển đổi số. Các quốc gia như Việt Nam đều đã nhận ra điều đó. Và Chính phủ Việt nam đã rất thành công.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cam kết luôn đi đầu trong đổi mới và cải cách, đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, 3 chương trình hành động chính đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ rất sớm. Đó là tập trung nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số; xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Võ Thành Thống, Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức và khó khăn khi mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của nước ta còn thấp. Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị cũng đã nhận định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm