Kinh tế số

Bán nông sản trên môi trường số: Rào cản lớn nhất nằm ở sự sẵn sàng tiếp cận công nghệ và quy trình mới

DNVN - Việc đưa nông sản lên môi trường số được coi là ưu tiên hàng đầu khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy. Để bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiệu quả nhất, trước tiên bà con nông dân cũng như doanh nghiệp phải hiểu rõ và sử dụng triệt để các tính năng của công nghệ.

Con đường đưa nông sản Việt lên môi trường số còn rất nhiều thách thức / Nâng tầm giá trị nông sản Việt qua nền tảng thương mại số

Nông dân có thêm khách hàng mới
Thời gian qua, các bộ, ngành và các sàn thương mại điện tử đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn TMĐT để tiêu thụ.
Ông Trần Trung Kiên - Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò cho rằng, hiện các sàn TMĐT được các cơ quan chức năng cũng như địa phương quan tâm, truyền thông hỗ trợ trong các chương trình phát triển nông thôn, nông nghiệp. Từ đó bà con nông dân cũng có sự tiếp cận và tìm hiểu về TMĐT nhiều hơn thời gian trước.

Tham gia sàn TMĐT, bà con có thêm tệp khách hàng online.
"Thêm vào đó, người nông dân cũng được tìm hiểu về công nghệ, có thêm nguồn khách hàng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào thương lái nên việc mở rộng đưa nông sản lên sàn được tiến hành nhanh chóng hơn. Cũng trong thời gian ảnh hưởng của dịch, nhu cầu mua sắm tăng cao, người tiêu dùng thay đổi thói quen đi chợ truyền thống và đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn và nhận tận nơi tiện lợi, nhanh chóng", ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Sendo chia sẻ, tính đến nay, Sendo đã có gần 1 năm triển khai chuyển đổi số cho nông nghiệp, đưa nông sản lên sàn TMĐT qua nhiều chương trình.
"Thông qua các chương trình, Sendo nhận thấy thuận lợi lớn nhất của TMĐT trong tiêu thụ nông sản chính là ở khả năng kết nối người trồng và người mua. Mô hình tiêu thụ nông sản của Sendo đi từ vườn đến bàn ăn, giúp tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người nông dân, đồng thời có sản phẩm chọn lọc giá rẻ cho người mua", ông Dũng cho hay.
Bà con chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ
Tuy vậy, theo chia sẻ của Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò, bên cạnh những thuận lợi về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, buôn bán trên sàn TMĐT gặp không ít khó khăn.
"Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là việc bảo đảm các sản phẩm đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, bao gồm các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; được nuôi trồng tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành ổn định không chênh lệch với mức giá bán trực tiếp. Với sản phẩm OCOP, VietGAP phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận cũng như các giấy tờ liên quan và tương đương khác.
Ngoài ra, sàn còn phải tổ chức hệ thống vận hành chuyên nghiệp từ khâu thu hoạch, cách gói bọc, bảo quản để nông sản giữ được độ tươi ngon nhất khi tới tay người tiêu dùng. Một số loại sản phẩm khó vận chuyển hoặc có thời gian sử dụng ngắn cần được ưu tiên bảo quản trong hộp xốp hay xe đông lạnh chuyên dụng.
Về phía bà con nông dân, ông Trần Trung Kiên cho biết, do thời gian dài chỉ buôn bán trực tiếp và phụ thuộc nhiều vào thương lái, khi bắt đầu thay đổi cách bán hàng sang nền tảng trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ. Bà con chưa quen các thao tác trên thiết bị thông minh và các ứng dụng. Do đó, cần thêm thời gian để bà con làm quen với chuyển đổi công nghệ, từ cách chụp hình, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng đến việc đóng gói, bảo quản sản phẩm.
Nhân viên Sendo xuống vườn hướng dẫn bà con nông dân bán hàng trên môi trường số.

"Trong khi đó, những rào cản khiến nông sản các địa phương khó lên sàn TMĐT cũng cần được lưu tâm. Theo đó, phải kể đến việc thay đổi tư duy buôn bán của người nông dân và việc sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Do quen với việc buôn bán truyền thống, một số các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ với việc mua bán trực tuyến, giao dịch online và chưa nắm bắt được hết các ưu điểm của việc đưa nông sản lên sàn TMĐT", ông Kiên nhìn nhận.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, thử thách lớn nhất của các đơn vị TMĐT là việc xây dựng một quy trình hậu cần từ A đến Z bảo đảm nông sản giữ được chất lượng mà vẫn tiện lợi cho người mua.
"Quy trình Sendo đang xây dựng có nhiều phát kiến mới và sẽ cần có sự ủng hộ và hợp tác của bà con nông dân cùng sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương. Trong thời gian giãn cách xã hội, việc giữ hậu cần giao vận diễn ra trơn tru còn là một thử thách lớn hơn gấp bội", ông Dũng nêu.
Theo ông Dũng, rào cản lớn nằm ở sự sẵn sàng tiếp cận với công nghệ và quy trình mới của các hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân. Làm kinh doanh bằng TMĐT mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập về lâu dài. Tuy nhiên, để kinh doanh bền vững thì bà con cần quan tâm nhiều hơn không chỉ đến chất lượng sản phẩm mà còn về quy cách đóng gói, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng bán hàng trực tuyến...
Cần sử dụng công nghệ hiệu quả nhất
Các sàn TMĐT có chung nhận định rằng, qua sàn TMĐT, nông sản của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng đối tượng người tiêu dùng mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, khẳng định được chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm.
Thời gian qua, các sàn cùng đối tác đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác cho bà con nông dân và hợp tác xã như tư vấn kỹ năng vận hành, sàng lọc và đóng gói sản phẩm, cũng như quảng bá sản phẩm trên nền tảng ứng dụng của mỗi đơn vị. Việc linh hoạt chọn các hình thức hướng dẫn, đào tạo nông dân lên sàn như livestream, họp nhóm, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video cũng đã được các sàn TMĐT triển khai nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho bà con tốt nhất. Các sàn cũng có các kịch bản cụ thể về vận chuyển cho từng khu vực trên cả nước trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội...

Nhân viên ShopeeFarm hướng dẫn nông dân livestream bán nông sản.
"Tuy nhiên, để bà con nông dân thật sự hiểu được lợi ích của TMĐT từ đó duy trì các quy trình này và làm theo về lâu dài thì đòi hỏi một quá trình vận động và hướng dẫn qua nhiều mùa vụ từ các sàn TMĐT và cả các cơ quan chức năng địa phương", Chủ tịch Công ty Cổ phần Sendo cho hay.
Đại diện sàn TMĐT Shopee đánh giá, kinh doanh trên TMĐT vẫn còn là một thức kinh doanh khá mới mẻ đối với các mặt hàng nông sản, nông nghiệp truyền thống cũng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã địa phương. Đặc biệt là các kỹ năng vận hành, quảng bá sản phẩm chủ yếu được thực hiện trên các ứng dụng điện thoại và người bán cần có một số kỹ năng thao tác nhất định.
Để việc bán nông sản trên sàn TMĐT được thuận lợi, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò cho rằng, đầu tiên phải đảm bảo người nông dân nhận rõ thế mạnh của việc mua bán trực tuyến và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả nhất. Người nông dân có thể chủ động chụp hình, live stream, tương tác với khách hàng, chủ động quản lý kho hàng và có quy trình đóng gói hàng hoá để vận chuyển đến tay người tiêu dùng giữ được sự tươi ngon nhất.
Theo ông Kiên, áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng trên môi trường số có vai trò quan trọng. Trước tiên người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất phải hiểu rõ và sử dụng triệt để các tính năng của công nghệ. Từ việc xây dựng nhận diện gian hàng uy tín với hình ảnh, giới thiệu sản phẩm đầy đủ, người bán hoàn toàn có thể livestream trực tiếp hay trả lời với khách hàng để tăng tương tác. Đồng thời, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
"Một điểm mạnh của công nghệ thông tin là dựa vào nền tảng này người nông dân có thể kết nối các khách hàng mua sắm một cách dễ dàng. Từ 1 người khách hàng đầu tiên, bà con nông dân sẽ có dữ liệu thông tin trong app người bán. Từ đó có thể chủ động kết nối thêm nhiều khách hàng có cùng nhu cầu mua sắm và xây dựng được một tệp khách hàng quanh khu vực, tại địa phương hoặc tỉnh, thành của mình để dễ dàng giới thiệu sản phẩm mới và giao nhận hàng hóa", ông Kiên nhấn mạnh.
Chủ tịch Công ty Cổ phần Sendo nhìn nhận, để thành công với thương mại điện tử đòi hỏi cần có được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng.
"Kinh nghiệm triển khai của Sendo cho thấy khách hàng luôn tin tưởng khi biết được rõ ràng nguồn gốc nông sản. Và để khách hàng biết được rõ những yếu tố này thì vai trò của người nông dân ngay tại vườn là rất quan trọng. Sẽ rất hiệu quả khi các hợp tác xã và người nông dân thực hiện thường xuyên và đóng vai trò trực tiếp giới thiệu nông sản đến người tiêu dùng thông qua các hình thức livestream, video giới thiệu sản phẩm, trả lời câu hỏi cho người mua… và làm được thành thục các bước này", ông Nguyễn Đắc Việt Dũng nêu.
Để giúp bà con nông dân xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình và bán hàng hiệu quả hơn trên môi trường số, Sendo kiến nghị các hợp tác xã cần tích cực triển khai song song các hoạt động truyền thông tận dụng mạng xã hội và sàn TMĐT.
"Thời gian qua, chúng tôi đã thử nghiệm đưa hình ảnh và thông tin của mỗi bà con nông dân lên trang bán hàng và bao bì hàng hóa nông sản. Kết quả là khách hàng đón nhận rất tích cực. Sự tin tưởng của khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm khó khăn hiện nay, ông Dũng chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm