Bình Phước: 50 start up Việt - Úc giao lưu trực tuyến để săn cơ hội đưa hàng nông sản Việt vào Úc
Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất Đông Nam Á về tiêu dùng kỹ thuật số / Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics
Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên cả nước vô cùng lao đao trong mùa dịch, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Phước, BNI Chapter Bombo, Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt - Úc tại TP. Melbourne (thủ phủ của bang Victoria, nước Úc) tổ chức Diễn đàn “Vietnam - Australia Biz Matching” (Kết nối giao thương Việt - Úc) quy tụ hơn 30 startup tiêu biểu tại tỉnh Bình Phước, 20 doanh nghiệp tại TP. Melbourne và một số startup tại các thành phố Sydney, Adelaide (Úc).
Tại đây, nhiều bài toán khó đã được giải đáp qua Talkshow “Covid-19: thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp”, mở nhiều hướng đi mới cho các sản phẩm, mặt hàng nông sản Bình Phước gia nhập thị trường Úc đầy tiềm năng nhưng vô cùng “kén chọn”.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy (áo xanh, ngồi trước micro) chia sẻ rằng những diễn đàn, hội thảo trực tuyến Việt - Úc sẽ giúp người trẻ và doanh 02 quốc gia kết nối, giao lưu và cùng phát triển.
Ngoài ra, Hội thảo “Technology megatrends driving the future of work” (Siêu xu hướng công nghệ thúc đẩy tương lai việc làm) - Hội thảo đầu tiên nằm trong chuỗi 3 Hội thảo về “Nhìn từ Covid-19 và đánh giá bức tranh toàn cảnh hơn” do Trung tâm nghiên cứu APEC (AASC) và Khoa Đào tạo, bồi dưỡng cao cấp (Executive Education - EE) tại ĐH RMIT (Melbourne, Úc) tổ chức đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ Bình Phước.
Qua đó, hàng chục câu hỏi được đặt ra để chuyên gia giải đáp về gần 40 siêu xu hướng công nghệ sẽ tác động mạnh đến người lao động; nhiều khuyến nghị đã được đưa ra về việc người đứng đầu các tổ chức, chủ doanh nghiệp cần bắt kịp các siêu xu hướng, có chiến lược để nâng cao kỹ năng công nghệ cho bản thân và cho cả người lao động nhằm thích ứng với những chuyển biến của nền kinh tế toàn cầu...
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy cho rằng theo Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Asia Society) và Trung tâm Nghiên cứu APEC tại Đại học RMIT (Úc), Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng của Úc; các nhà xuất khẩu bông, cây trồng, ngũ cốc, thịt bò, thực phẩm chế biến, dịch vụ giáo dục và y tế, thiết bị khai thác mỏ và các công nghệ “Công nghiệp 4.0” tại Úc có những cơ hội lớn ở thị trường Việt Nam. Những sự kiện trực tuyến kể trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt - Úc kết nối giao thương, tìm hiểu về thị trường ở 02 nước, hướng đến phát triển bền vững.
Anh Khoa Phan (Anthony) - Phó Tổng Thư ký Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc, Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại Melbourne (trên, chính giữa) hào hứng cùng các startup tại Úc tham gia Diễn đàn.
Các mặt hàng của Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) đã được khách hàng hào hứng đón nhận do sạch và có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, từ mùa dịch đầu tiên, sức tiêu thụ các sản phẩm của Vinahe trên thị trường giảm hẳn.
“Trong mùa dịch, mình tìm cách duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và bán được hàng bằng cách dùng nền tảng công nghệ để giới thiệu sản phẩm tại nhiều thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận với các đơn hàng trực tuyến với Aeon mall, Satra food, Amart cùng các kênh thương mại điện tử uy tín như Tiki, Lazada, Shoppee... Covid-19 đã mở lối cho doanh nghiệp sử dụng các kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp phải năng động hơn, nhanh chóng thích nghi và thay đổi, biến thách thức thành cơ hội”, anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe chia sẻ tại Talkshow.
Các khách mời tham gia Talkshow: anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe; chị Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất khẩu thương mại Phúc Thịnh; anh Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hạt điều vàng (lần lượt theo thứ tự từ trái sang).
Tham gia Talkshow, chị Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất khẩu thương mại Phúc Thịnh (TX. Phước Long) chuyên sản xuất, chế biến hạt điều và các sản phẩm từ hạt điều với các hương vị độc đáo “bật mí”: “Đa số khách hàng các nước đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Khi giao dịch trực tuyến, phải đủ khả năng và điều kiện thanh toán quốc tế, hiểu rõ về vận chuyển hàng hóa - logistics, thông quan hàng hóa và thực hiện các lệnh giao dịch online. Phúc Thịnh đã nhận được nhiều đơn hàng trực tuyến. Hiện mình đã xuất hàng sang Úc, Ba Lan, Hồng Kông, Châu Âu nhưng đơn hàng tại Úc chưa nhiều.”
Làm sao để tiếp cận thị trường Úc “khó tính”?
Khép lại Talkshow, anh Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hạt điều vàng (huyện Phú Riềng) khẳng định để xuất hàng sang các nước khác, doanh nghiệp cần chuẩn hóa sản phẩm và quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mang tính quốc tế như ISO, BRC... để đảm bảo sản xuất an toàn và tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh các sản phẩm chế biếu sâu từ hạt điều, cà phê, nấm linh chi, các loại trái cây…, thanh niên Bình Phước đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nhân tại Úc cùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; trong đó, than gáo dừa của startup Nguyễn Thị Cẩm Hằng (công ty TNHH XNK Cao Nguyên, huyện Đồng Phú) đã trở nên nổi trội và liên tục được phía Úc “hỏi thăm”.
“Các sản phẩm organic, sạch, thân thiện với môi trường đều có thể gia nhập thị trường Úc. Thế nên, trước hết, doanh nghiệp tại Bình Phước phải tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn chung đối với hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu vào Úc, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm để dần tìm cơ hội xuất khẩu sang Úc”, nữ doanh nhân Tuyết Anh Vũ chuyên phân phối thực phẩm tại TP. Sydney, Úc cho biết.
Anh Khoa Phan (Anthony) - Phó Tổng Thư ký Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc, Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại Melbourne thông tin: “Thị trường Úc rất năng động với vô số giao dịch trực tuyến và ưa chuộng các mặt hàng nông sản từ hạt như điều, cà phê, trái cây nhiệt đới, thực phẩm dinh dưỡng... nếu đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, mẫu mã... Đây là những sản phẩm mà Bình Phước có nguồn cung lớn. Sắp tới, việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt sang Úc sẽ thuận lợi hơn vì các hiệp định thương mại tự do với Úc đã được ký kết và bắt đầu có hiệu lực.”
“Gần đây, chính phủ Úc cam kết thúc đẩy tinh thần kinh doanh - đổi mới và đã thử nghiệm sáng kiến visa mới ở Nam Úc. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài với một ý tưởng sáng tạo và một kế hoạch kinh doanh bài bản sẽ có thể nộp đơn xin visa tạm thời để kinh doanh tại Úc. Dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc còn rất lớn, tập trung vào các mặt hàng thủy sản, nông sản, đồ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc, thiết bị…”, anh Khoa tiếp lời.
Quỳnh Đinh - Phó Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại Melbourne - một nữ doanh nhân chuyên về xuất nhập khẩu tại Úc nhận định rằng doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy định của pháp luật đối với hình thức kinh doanh online, hiểu biết nhu cầu thị trường, nâng cao khả năng ngoại ngữ để không bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo