Bộ Công Thương cảnh báo hậu quả từ ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Bộ Công an phát thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo kinh doanh tiền ảo VNcoins / Bộ Công an cảnh báo hoạt động kinh doanh tiền số trái phép
Mô hình hoạt động thiếu minh bạch, quảng cáo “láo”
Hoàn tiền khi mua sắm (còn gọi là cashback) là việc người tiêu dùng được hoàn lại một phần tiền khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Đây là một hình thức khuyến mãi, kích cầu chi tiêu khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới, giúp các doanh nghiệp mở rộng hệ thống khách hàng.
Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi và thu thập thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng được quảng cáo theo mô hình cashback có biểu hiện thiếu minh bạch. Điểm chung dễ nhận thấy là đơn vị phát triển sản phẩm đưa ra quảng cáo với mức chiết khấu, hoàn tiền lên tới 80 - 100% mỗi giao dịch mua hàng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc hoàn tiền với giá trị % cao chỉ thể hiện ở hành động tích điểm trên hệ thống nội bộ theo tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,05 - 0,1% mỗi ngày. Do vậy, các dịch vụ này không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo về dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép của một số ứng dụng hoàn tiền. (Ảnh minh họa: Internet)
Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một số loại tiền ảo, ví điện tử như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC… Bên cạnh việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản có thể tham gia đầu tư, mua bán và trao đổi điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với loại tiền ảo tự lưu hành.
Đáng chú ý, các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ. Đơn vị vận hành còn huy động vốn bằng cách kêu gọi người dùng nộp tiền để nâng cấp tài khoản lên mức cao hơn nhằm được hưởng hoa hồng. Các thành viên tích cực lôi kéo người khác sẽ nhận được quyền lợi hấp dẫn dựa trên tỷ lệ % số tiền của những người tham gia tuyến dưới.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, các website, ứng dụng như đã nói đều có mô hình hoạt động mập mờ, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép. Do đó, cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống cho những website, ứng dụng thương mại điện tử nêu trên.
Ứng dụng My Aladdinz có dấu hiệu tương tự cảnh báo của Bộ Công Thương
My Aladdinz là ứng dụng mua sắm hoàn tiền với những dấu hiệu tương tự như những gì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo. Ngoài tính năng giống như một ví điện tử, My Aladdinz không phát triển bất kỳ một tính năng nào khác.
Do không thực sự phát triển nền tảng hay mô hình kinh doanh, My Aladdinz không tạo ra giá trị nào để có thể mang tới mức lãi suất khủng như những gì đã quảng cáo. Nguy hiểm hơn khi ứng dụng được quảng cáo tới từ Singapore này không có văn phòng đại diện hay đăng ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Vì vậy, những người tham gia đầu tư vào My Aladdinz sẽ nhận về rủi ro rất lớn vì không biết kêu ai trong trường hợp đồng “Gem” của ứng dụng mất khả năng thanh khoản.
Trước nguy cơ này, Công an tỉnh Bình Phước đã phải ra văn bản cảnh báo người dân khi nạp tiền vào ứng dụng My Aladdinz. Theo Công an tỉnh Bình Phước, về bản chất, ứng dụng My Aladdinz đang hoạt động theo mô hình đa cấp. My Aladdinz lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người mua “Gem", hệ thống sẽ sụp đổ do mất khả năng thanh khoản.
Mặt khác, khi tra cứu thông tin từ Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, ứng dụng My Aladdinz không có trong cơ sở dữ liệu đã được cấp phép. Theo quy định hiện hành, một ứng dụng để thanh toán phải có giấy phép. Việc sử dụng một ứng dụng chưa được cấp phép sẽ đem lại nhiều rủi ro như mất tiền, bị đánh cắp dữ liệu và người dùng phải tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, để trả lãi suất tới gần 100%/năm, thì My Aladdinz chắc chắn chỉ có thể “lấy tiền của người sau trả cho người trước“. Chưa kể “Gem” chỉ là một đồng tiền nội bộ trong hệ thống, để nâng tính thanh khoản thì My Aladdinz phải có một cộng đồng đủ lớn. Ngay cả khi có cộng đồng lớn thì rủi ro vẫn là rất cao, số Gem của bạn sẽ biến thành “rác” khi dự án này sập hoặc khi không còn ai mua bán.
My Aladdinz ra đời với mục đích kêu gọi nhà đầu tư góp tiền đầu tư, hoặc cho app vay với lãi suất cực kỳ cao. App sẽ lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. My Aladdinz cũng tương tự như các mô hình ponzi nổi tiếng trước đây - chẳng hạn như OneCoin, Bitconnect, Ifan, Pincoin,.. những dự án khét tiếng một thời đã sập khi lượng nhà đầu tư mới giảm, không còn tiền trả lãi, hoặc nhà sáng lập app ôm tiền bỏ chạy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo