Bộ Tài chính sẽ tập trung thu ngân sách trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử
DNVN - Sáng 12/11, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh giải ngân thấp có nguyên nhân từ thể chế, cụ thể là bất cập từ Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật không chạy theo số lượng / Quốc hội giám sát tối cao về quy hoạch và chống lãng phí
Giải trình một số vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: Các công cụ thực hiện chính sách tài khóa bao gồm thuế, thu ngân sách, công cụ nợ và thu ngân sách.
Để kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề nghị với Chính phủ, Quốc hội thực hiện chính sách thuế như năm 2021.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục các chính sách như giảm hoàn thuế như năm 2021 (năm 2021 giảm hoàn thuế tính đến 31/12/2021 khoảng 115 ngàn tỷ đồng); giảm 30 loại phí; giảm thuế xăng dầu ở lĩnh vực hàng không là 50% (năm 2021 chỉ giảm 30%); giảm 30% thuế VAT; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế cho các hộ sản xuất kinh doanh; miễn phạt phần chậm nộp đối với các hộ và doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc khó khăn; giảm một loạt chính về thu ngân sách.
Bộ Tài chính sẽ tập trung thu ngân sách trên nền tảng số, trên sàn thương mại điện tử, cũng như phát hành hóa đơn điện tử để tránh dùng hóa đơn giả mạo, tránh hoàn thuế trục lợi, tránh trốn thuế và thực hiện các khoản thu chuyển nhượng bất động sản, chuyển giá, trốn thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Về công cụ nợ, theo ông Phớc, nếu tính theo GDP cũ, thì năm 2021 Việt Nam có nợ công là 56,8% (vượt ngưỡng cảnh báo là 55%). Đây là vấn đề cần phải cân nhắc. Cùng với đó, dư nợ Chính phủ là 51,5% (theo GDP cũ) và 44,7% (theo GDP mới).
“Nợ công năm 2021 là 3.750.000 tỷ đồng, nợ Chính phủ khoảng 3.397.000 tỷ, cho nên, chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, tuy nhiên, các gói kích cầu này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, đồng thời, giữ được bội chi ngân sách trong năm 2022, năm 2023 và giảm bội chi ngân sách trong những năm tiếp theo để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, ông Phớc nói.
Bộ Tài chính cũng sẽ tính đến việc tạo gói kích cầu phát triển kinh tế thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc phát hành công trái, hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Gói kích cầu này dự kiến khoảng 180 ngàn tỷ đồng. Số tiền này chỉ làm tăng bội chi ngân sách 1% mỗi năm nhưng lại giúp đảm bảo dư gói bội chi ngân sách trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ sự băn khoăn là gói kích cầu trên có hấp thụ được vào nền kinh tế hay không và hấp thụ trong những lĩnh vực nào. Nó chỉ thực sự hiệu quả khi tạo ra sự dẫn dắt của các dự án đầu tư công đối với dự án đầu tư tư khi thực hiện các dự án trọng điểm, tạo đột phá lớn để tăng trưởng nền kinh tế.
Về công cụ chi ngân sách, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ thực thi chính sách tiết kiệm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển phải có hiệu quả. Nếu không hiệu quả kéo dài thì sẽ sắp xếp lại, lấy nguồn vốn của dự án này đưa vào dự án khác.
Cụ thể, đối với chi đầu tư, Bộ Tài chính sẽ giảm 10% chi thường xuyên. Trong dự toán phân bổ ngân sách cho các tỉnh, các bộ ngành thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã cắt giảm 10% so với định mức mà Thường vụ Quốc hội ban hành. Bộ sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 10%, tiết kiệm 5% chi tiếp khách, chi công tác phí trong nước và ngoài nước để tập trung vào đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng giải ngân thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Chúng ta có mấy nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ thể chế (từ Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng). Cùng với đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, lập dự án xác định vốn và phân bổ vốn”.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo